GIỚI THIỆU CHUNG
Khoa Công nghệ thực phẩm tiền thân là Bộ môn Hóa sinh - Bảo quản chế biến nông sản, đã chính thức đào tạo kỹ sư ngành Bảo quản Chế biến nông sản. Bộ môn năm 1996 được tách ra từ khoa Nông học và là bộ môn trực thuộc nhà trường do PGS. TS Lê Song Dự là trưởng bộ môn. Các thầy cô nguyên là trưởng Bộ môn tiếp theo lần lượt là PGS. TS. Nguyễn Đặng Hùng, PGS.TS. Vũ Thy Thư.
Ngày 04 tháng 3 năm 2001, Khoa Công nghệ thực phẩm chính thức được thành lập theo QĐ số: 1164/QĐ-BGD&ĐT-TCCB của Bộ Giáo dục và Đào tạo dưới sự lãnh đạo của Trưởng Khoa - PGS. TS. Ngô Xuân Mạnh (nhiệm kỳ 2001-2006; 2006-2011) với 3 bộ môn đầu tiên là Công nghệ Sau thu hoạch, Hóa sinh - Dinh dưỡng và Chế biến Thực phẩm. Năm 2004 bổ sung thêm 01 bộ môn và có sự thay đổi tên một số bộ môn khác cho phù hợp với tình hình thực tế. Bốn bộ môn hiện có bao gồm: Bộ môn Hoá sinh – Công nghệ sinh học thực phẩm, Bộ môn Công nghệ Sau thu hoạch, Bộ môn Công nghệ Chế biến và Bộ môn Thực phẩm – Dinh dưỡng. Khoa được sắp xếp ở Khu nhà E,có 8 phòng thực tập, 01 phòng thí nghiệm Công nghệ sinh học thực phẩm, 01 phòng máy tính và thư viện.
Hiện Khoa Công nghệ thực phẩm có 40 cán bộ viên chức và lao động hợp đồng trong đó có 05 Phó giáo sư, 28 tiến sỹ, 08 thạc sỹ, 4 kỹ sư. Đội ngũ giảng viên phần lớn được đào tạo, học tập ở những nước tiên tiến. Kỹ thuật viên và nhân viên văn phòng đều có trình độ thạc sỹ và kỹ sư. Trong những năm vừa qua, lượng cán bộ được cử đi đào tạo, tập huấn ngoài nước nhiều nên cán bộ giảng dạy thường trực của Khoa chỉ chiếm khoảng 2/3 số lượng cán bộ giảng dạy.
Chặng đường hơn 10 năm xây dựng và phát triển, 15 năm đào tạo, Khoa CNTP không ngừng mở rộng quy mô và ngành nghề, bậc học đào tạo. Từ lúc chỉ đào tạo đại học ngành Bảo quản chế biến nông sản (hiện đổi thành Công nghệ sau thu hoạch), nay đã được bổ sung thêm ngành Công nghệ thực phẩm. Đã mở đào tạo Cao học ngành Công nghệ Sau thu hoạch từ năm 2007. Trong năm 2013, Khoa tiếp tục mở lớp đào tạo đại học chuyên ngành Vệ sinh an toàn thực phẩm, hướng tới chuyên ngành đào tạo thạc sỹ quốc tế về Quản lý chất lượng và Vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong thời gian qua, Khoa đã đào tạo ra trường gần 15000 kỹ sư ngành Bảo quản – Chế biến nông sản, Công nghệ sau thu hoạch, Công nghệ thực phẩm. Trong những năm gần đây, nhu cầu sinh viên theo học các ngành này của Khoa tăng cao. Hiện có gần 2000 sinh viên đại học, liên thông, học viên cao học đang học tập tại Khoa.
Bên cạnh đào tạo, độ sống còn và sức mạnh của một khoa chuyên môn còn liên quan mật thiết tới nghiên cứu khoa học và hợp tác. Các nghiên cứu của Khoa đã thu được các kết quả nhất định trong lĩnh vực bảo quản và chế biến nông sản. Trong mỗi giai đoạn phát triển, khoa đều xây dựng những chiến lược khoa học công nghệ phù hợp với nội lực của mình. Các định hướng này luôn gắn với chuyên ngành đào tạo và với các yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của vùng, của đất nước.
Theo kết quả điều tra, sinh viên học tập tại Khoa ra trường hầu hết tìm được việc làm sau 6 tháng. Nhiều cựu sinh viên của Khoa hiện đang có những vị trí cao trong các tổ chức nước ngoài như FAO, liên kết với nước ngoài như Oxfarm, công ty Sữa Elovi, Công ty sữa Dutch Lady, Công ty Acecook..., các doanh nghiệp trong nước như VietFood, Minh Dương... Những cựu sinh viên này đã có những đóng góp rất thiết thực cho sự phát triển của Khoa thông qua các hoạt động hỗ trợ và hướng nghiệp.
DANH SÁCH LÃNH ĐẠO ĐƠN VỊ QUA CÁC THỜI KÌ
Tiền thân là tổ Bảo quản - Chế biến nông sản được hình thành từ năm 1976 trong Bộ môn Sinh lý - Sinh hoá Thực vật. Quá trình xây dựng và trưởng thành của Khoa bao gồm các thời kỳ với các đồng chí lãnh đạo sau:
STT
|
Thời kì
|
Cán bộ nòng cốt
|
1
|
Thời kì tổ Bảo quản – Chế biến nông sản
(Từ năm 1976)
|
- Trần Minh Tâm
- Phạm Thị Vân
- Nguyễn Mạnh Khải
|
2
|
Thời kì Bộ môn Sinh hóa- bảo quản chế biến nông sản trở thành bộ môn trực thuộc Nhà trường
(1998 -2000)
|
- Vũ Thị Thư
|
2
|
Thời kì khoa Công nghệ thực phẩm được thành lập (2001- nay)
|
- Ngô Xuân Mạnh (2001 – 2011)
- Nguyễn Thị Thanh Thủy ( 2012 – 2018)
- Nguyễn Hoàng Anh (2018 - nay)
|