Sáng ngày 16 tháng 8 năm 2018, Khoa Công nghệ thực phẩm kết hợp với bộ môn Tự động hóa Khoa Cơ điện đã tổ chức thành công seminar khoa học tháng 8 với các chuyên đề sau:

Chuyên đề 1: Nguyên liệu từ các sản phẩm từ sữa và sức khỏe người tiêu dùng do ThS. Nguyễn Vĩnh Hoàng – Bộ môn QLCL & ATTP

Chuyên đề 2: Giới thiệu về ứng dụng của tự động hóa trong công nghiệp thực phẩm  do TS. Nguyễn Quang Huy - Bộ môn tự động hóa, Khoa Cơ điện trình bày

Chuyên đề 3:  Sự biến đổi hàm lượng polyphenol và hoạt tính kháng oxy hóa trong quá trình nảy mầm của hạt lạc  – do TS. Nguyễn Văn Lâm – bộ môn Hóa sinh- CNSH trình bày.

Tham dự seminar có các cán bộ, giảng viên và sinh viên trong khoa Công nghệ thực phẩm và Khoa Cơ điện. Các bài tham luận tại Seminar đã mang tới cho người nghe nhiều thông tin mới, bổ ích cho việc giảng dạy, học tập và nghiên cứu khoa học, đặc biệt đây là buổi seminar rất có ý nghĩa, bước đầu đặt mối quan hệ giao lưu, hợp tác giữa hai khoa trong việc trao đổi  kiến thức giảng dậy và nghiên cứu Khoa học.

Sau mỗi bài trình bày đã có nhiều ý kiến thảo luận sôi nổi xoay quanh từng chủ đề báo cáo.


Bài trình bày của ThS. Nguyễn Vĩnh Hoàng

 ThS Nguyễn Vĩnh Hoàng đã trình bày tổng quan về nguyên liệu trong sữa cùng các kết quả nghiên cứu về công dụng của nguyên liệu sữa đối với sức khỏe người tiêu dùng, đặc biệt có ý nghĩa đối với trẻ nhỏ, người già và những vận động viên thể thao. Có thể nói whey protein trong sữa đóng vai trò quan trọng trong việc tái tạo cấu trúc mô cơ, ngăn ngừa tình trạng teo cơ ở người già cũng như góp phần cải thiện và duy trì sự chắc khỏe của xương. Những thông tin này mở ra những hướng nghiên cứu mới liên quan đến protein trong sữa và dinh dưỡng của cộng đồng khi ước tính đến năm 2035, tỉ lệ người già trên 60 tuổi mất sức lao động lên tới 1600 triệu người.

 TS. Nguyễn Quang Huy đại diện cho cán bộ, giảng viên bộ môn Tự động hóa, khoa cơ điện trình bày những kết quả nghiên cứu mới về một vài mô hình máy móc tự động hóa trong quá trình bảo quản và chế biến nông sản như máy sấy thóc... Với mong muốn các thầy cô trong hai Khoa giao lưu, chia sẻ những kiến thức mới về Khoa học công nghệ để hợp tác trao đổi kiến thức trong quá trình giảng dậy và nghiên cứu khoa học.

 TS. Nguyễn Văn Lâm đã trình bày kết quả nghiên cứu mới về hoạt chất resveratrol được sinh ra trong quá trình nảy mầm của hạt lạc có nhiều những đặc tính tốt như khả năng kháng oxi hóa, kháng các tế bào ung thư, giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đương. Kết quả nghiên cứu ban đầu cho thấy hàm lượng polyphenol tổng số và resveratrol của các giống lạc nghiên cứu tăng dần trong quá trình nảy mầm. Một số nghiên cứu trước đây chỉ ra rằng ánh sáng UVA, UVB kích thích sự sinh tổng hợp resveratrol trong quá trình nảy mầm của một số hạt, do đó hướng nghiên cứu tiếp theo của nhóm tác giả sẽ khảo sát ảnh hưởng của hai loại ánh sáng này và khảo sát ảnh hưởng của nhiệt đến sự biến đổi các hợp chất polyphenol và resveratrol trong quá trình nảy mầm.

Seminar đã giúp cho các nhà khoa học, cán bộ và sinh viên trong Khoa hiểu rõ hơn một số hướng nghiên cứu mà đồng nghiệp của mình đang theo đuổi đồng thời cũng góp ý để các nghiên cứu hoàn thiện hơn.

---Trợ lý Khoa học công nghệ ---