1. Bệnh đái tháo đường tại Việt Nam

Bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) là bệnh rối loạn chuyển hóa không đồng nhất, có đặc điểm tăng đường huyết do khiếm khuyết về tiết insulin, về tác động của insulin, hoặc cả hai [1]. Bệnh gây nhiều biến chứng nguy hiểm ở nhiều phủ tạng đặc biệt là mắt, thần kinh, thận, tim, mạch máu. Theo các nghiên cứu, bệnh nhân tử vong phần nhiều là do các biến chứng của bệnh tiểu đường khi không được điều trị kịp thời [2].

Năm 2017, tỷ lệ người ở độ tuổi từ 20 đến 79 mắc bệnh đái tháo đường ở Việt Nam là 3,53 triệu người và ước tính sẽ tăng lên 6,3 triệu người vào năm 2045.  Theo thông tin của Bộ y tế, số bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường ở Việt Nam chưa được chẩn đoán chiếm khoảng 69,8%. Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ gia tăng số lượng người mắc bệnh đái tháo đường cao nhất thế giới và trong khu vực châu Á với tỷ lệ tăng 78,5% trong giai đoạn (2017 - 2045) [2].

Ở Việt Nam, bệnh đái tháo đường là nguyên nhân thứ 3 gây tử vong trong năm 2015 [3]. Theo số liệu thống kê, năm 2017 có khoảng 29.000 người tử vong do các nguyên nhân liên quan đến bệnh đái tháo đường [1].

Hiện nay, có 3 loại đái tháo đường chính:

- Đái tháo đường típ 1: Do tế bào beta tụy bị phá hủy dẫn đến thiếu insulin tuyệt đối. Bệnh có hiện tượng tăng đường huyết đột ngột.

- Đái tháo đường típ 2: Do giảm chức năng của tế bào beta tụy tiến triển trên nền tảng đề kháng insulin. Đái tháo đường típ 2 chiếm tới 90% các trường hợp bị ĐTĐ. Bệnh đái tháo đường típ 2 thường diễn ra âm thầm, không có triệu chứng lâm sàng và có liên quan nhiều đến chế độ dinh dưỡng và lối sống.

- Đái tháo đường thai kỳ là đái tháo đường được chẩn đoán ở 3 tháng giữa hoặc 3 tháng cuối thai kỳ và không có bằng chứng về ĐTĐ típ 1 và 2 trước đó. Tuy nhiên, trong vòng 5 - 10 năm sau sinh, khoảng 50% phụ nữ mắc bệnh đái tháo đường thai kỳ có thể tiến triển thành bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường típ 2 [2].

Mặc dù, bệnh đái tháo đường típ 1 không thể ngăn chặn được nhưng phần lớn số ca mắc ĐTĐ típ 2 có thể phòng tránh bằng cách thay đổi chế độ ăn uống và tăng cường hoạt động thể lực [2].

leftcenterrightdel

 Tỷ lệ gia tăng ĐTĐ tại Việt Nam so với các nước trong

khu vực/ toàn cầu(giai đoạn 2017-2045) [2]

2. Chế độ dinh dưỡng khuyến cáo để phòng ngừa bệnh đái tháo đường

Để có thể phòng ngừa bệnh đái tháo đường, trong bữa ăn nên có đủ 4 nhóm chất dinh dưỡng; có trên 10 loại thực phẩm; phối hợp tỷ lệ hợp lý đạm động vật và thực vật để đưa chỉ số BMI của cơ thể về mức bình thường (từ 18,5 đến dưới 23 kg/ m2) và tốt nhất là ở mức lý tưởng (20 - 22 kg/ m2) [1]. Một số lưu ý trong chế độ dinh dưỡng phòng ngừa bệnh đái tháo đường típ 2 như sau:

2.1. Chọn ngũ cốc nguyên hạt và những sản phẩm ngũ cốc nguyên hạt

Lớp cám và chất xơ trong ngũ cốc nguyên hạt khiến các enzyme tiêu hóa khó phân hủy tinh bột thành glucose hơn bởi lớp cám có thể hình thành rào cản hạn chế sự tiếp xúc của enzyme tiêu hóa ở đường ruột với tinh bột ở nội nhũ [4]. Điều này dẫn đến việc tăng lượng đường trong máu và insulin thấp hơn và chậm hơn. Vì vậy, giúp bộ máy sản xuất insulin của cơ thể ít bị căng thẳng hơn và do đó có thể giúp ngăn ngừa bệnh tiểu đường típ 2 [5]. Thêm vào đó, ngũ cốc nguyên hạt cũng rất giàu vitamin, khoáng chất và chất phytochemical như phenolic acids, anthocyanins, flavonoids  cần thiết có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường bởi các hợp chất này là những chất kìm hãm hoạt động của enzyme α-glucosidase và α-amylase [6]. Ngược lại, bánh mì trắng, khoai tây nghiền, bánh rán, bánh mì có chỉ số đường huyết cao và chúng gây ra sự gia tăng liên tục về lượng đường trong máu và lượng insulin, do đó có thể dẫn đến tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường [5].

leftcenterrightdel
 Cơ chế tiềm năng của các sản phẩm ngũ cốc trong việc ngăn ngừa tăng đường huyết [6]

2.2. Chọn chất béo lành mạnh

Chất béo lành mạnh là chất béo không bão hòa có trong dầu thực vật, quả hạch và hạt có thể giúp ngăn ngừa bệnh đái tháo đường típ 2 bởi vì chất béo không bão hòa giúp cải thiện độ nhạy của insulin. Trong số các loại chất béo không bão hòa thì linoic acid từ nhóm n-6 có tính cải thiện độ nhạy insulin nhưng chuỗi acid béo mạch dài nhóm n-3 thì không thể hiện khả năng cải thiện độ nhạy insulin và sự chuyển hóa glucose [7]. Chất béo chuyển hóa tìm thấy trong nhiều loại bơ thực vật, bánh nướng đóng gói, đồ chiên rán ở hầu hết các nhà hàng thức ăn nhanh và bất kỳ sản phẩm nào có ghi “dầu thực vật hydro hóa một phần” trên nhãn thì lại làm tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường [8].

2.3. Hạn chế ăn thịt đỏ và các sản phẩm chế biến từ thịt đỏ

Ăn thịt đỏ (thịt bò, thịt lợn) và thịt đỏ đã qua chế biến (thịt xông khói, xúc xích, thịt nguội) làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, ngay cả ở những người chỉ tiêu thụ một lượng nhỏ. Thay thịt đỏ hoặc thịt đỏ đã qua chế biến bằng nguồn protein lành mạnh hơn chẳng hạn như protein từ các loại hạt, sữa ít béo, thịt gia cầm hoặc cá hoặc ngũ cốc nguyên hạt giúp giảm nguy cơ tiểu đường lên đến 35% [9]. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng có thể hàm lượng sắt cao trong thịt đỏ làm giảm hiệu quả của insulin hoặc làm hỏng các tế bào sản xuất insulin. Hàm lượng cao natri và nitrit (chất bảo quản) trong các loại thịt đỏ đã qua chế biến cũng có thể là nguyên nhân.

2.4. Loại bỏ đồ uống có đường và thay vào đó hãy chọn nước, cà phê hoặc trà

Một số nghiên cứu cho thấy rằng trẻ em và người lớn uống soda hoặc đồ uống có đường khác có nhiều khả năng tăng cân hơn những người không uống. Mặc dù vậy, việc tăng cân do đồ uống có đường có thể không giải thích hoàn toàn việc tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường nhưng ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy đồ uống có đường góp phần gây viêm mãn tính, giảm cholesterol “tốt” (HDL) và tăng đề kháng insulin, tất cả đều là những yếu tố nguy cơ của bệnh tiểu đường [10].

Tóm lại, kết hợp việc ăn uống lành mạnh và hoạt động thể dục khoảng 150 phút/ tuần sẽ giúp điều chỉnh lượng đường huyết trong máu và phòng ngừa hiệu quả bệnh đái tháo đường típ 2.

leftcenterrightdel
 Chế độ dinh dưỡng phòng ngừa bệnh đái tháo đường

Tài liệu tham khảo:

1. Bộ Y tế, Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị đái tháo đường típ 2, 2017.

2. IDF Diabetes Atlas 8th edition www.idf.org/diabetesatlas www.idf.org/diabetesatlas.

3. https://www.cdc.gov/globalhealth/countries/vietnam/default.htm

4. Snow P, O’Dea K (1981). Factors affecting the rate of hydrolysis of starch in food. Am J Clin Nutr 34:2721-2727.

5. Ludwig DS (2002). The glycemic index: physiological mechanisms relating to obesity, diabetes, and cardiovascular disease. JAMA, 287(18):2414-2423.

6. Gong, L., Feng, D., Wang, T., Ren, Y., Liu, Y., & Wang, J. (2020). Inhibitors

of α-amylase and α-glucosidase: Potential linkage for whole cereal foods on prevention of hyperglycemia. Food Science & Nutrition, 8(12), 6320-6337.

7. Risérus U, Willett WC, Hu FB (2009). Dietary fats and prevention of type 2 diabetes. Progress in lipid research, 48(1):44-51.

8. Kaushik M, Mozaffarian D, Spiegelman D, Manson JE, Willett WC, Hu FB (2009). Long-chain omega-3 fatty acids, fish intake, and the risk of type 2 diabetes mellitus. The American journal of clinical nutrition, 90(3):613-620

9. Pan A, Sun Q, Bernstein AM, Schulze MB, Manson JE, Willett WC, Hu FB. Red meat consumption and risk of type 2 diabetes: 3 cohorts of US adults and an updated meta-analysis. The American journal of clinical nutrition, 94(4):1088-1096

10. Malik VS, Popkin BM, Bray GA, Després JP, Hu FB (2010). Sugar-sweetened beverages, obesity, type 2 diabetes mellitus, and cardiovascular disease risk. Circulation,121(11):1356-1364.

Hoàng Lan Phượng - Khoa CNTP