Trong 2 năm Covid, con người chúng ta luôn hướng tới và mong muốn một chế độ ăn uống lành mạnh, giúp tăng sức đề kháng tự nhiên cho cơ thể. Chế độ ăn cầu vồng có nghĩa là ăn năm khẩu phần trái cây và rau với năm màu bao gồm: đỏ, vàng, cam, trắng, xanh lá cây, xanh dương và tím. Chúng thực sự có tác dụng trong việc giúp cơ thể tăng sức đề kháng và giảm nguy cơ gây ung thư.

Bright Side đã thu thập một số thông tin về chế độ ăn uống có mã màu này và ảnh hưởng đến sức khỏe con người như thế nào. Nghiên cứu cũng đã chứng minh rằng các chất chống oxy hóa và các tính chất kiềm trong trái cây và rau có thể làm giảm nguy cơ ung thư, hỗ trợ cơ xương và ngăn ngừa chứng loãng xương. Chế độ ăn này cũng được cho rằng có tác dụng cải thiện sức khỏe tim mạch, tăng chức năng não, điều chỉnh chất béo trong cơ thể, điều trị đau lưng...

Các loại trái cây và rau quả có màu sắc khác nhau có chứa các loại vi chất dinh dưỡng khác nhau. Đó là lý do tại sao khi thực hiện chế độ ăn uống cầu vồng là một kế hoạch ăn uống dồi dào các chất dinh dưỡng.

leftcenterrightdel
Chế độ ăn Cầu Vồng 

Nhóm thực phẩm màu đỏ thường là: Dâu tây, dưa hấu, bưởi hồng, quả mâm xôi, củ cải đường, củ cải đỏ, hành củ cải đỏ, củ cải, cà chua... chứa các chất chống oxy hóa cao như anthocyanin, lycopene và vitamin C. Những hợp chất này loại bỏ các gốc tự do trước khi chúng gây ra chấn thương ở mô. Lycopene là một carotenoid tạo ra sắc tố đỏ ở thực vật và là chất làm sạch gốc tự do mạnh nhất trong nhóm. Lycopene có khả làm giảm viêm ở động mạch làm giảm các bệnh tim mạch. Rất nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng lycopene làm giảm sự xuất hiện của ung thư tuyến tiền liệt, cũng như ung thư phổi, dạ dày và ung thư vú. Ngoài ra, chất chống oxy hóa resveratrol (trong nho đỏ) có tính chống viêm giúp giảm nguy cơ bệnh tim và ung thư, lycopene (trong dưa hấu, bưởi hồng và cà chua) giúp chống lại ung thư tiền liệt tuyến. Betacycin cho củ cải đường màu tím được coi là một chất chống ung thư mạnh mẽ.

Nhóm thực phẩm màu vàng và cam thường bao gồm: Chanh, cà rốt, bí ngô, ớt vàng, bắp, táo vàng, đào, mơ, dưa, dứa… chứa rất nhiều chất beta carotene và vitamin C, rất tốt cho việc bảo vệ da và màng nhầy niêm mạc. Beta carotene cũng làm giảm nguy cơ ung thư, bệnh tim, đục thủy tinh thể, viêm khớp và tổn thương mạch máu. Lutein là một thành phần khác của thực phẩm màu vàng và cam. Nó còn có tác dụng tăng cường thị lực và sức khỏe mắt, hỗ trợ chức năng não, và có thể ngăn ngừa ung thư.

Nhóm thực phẩm màu trắng bao gồm: Súp lơ, hành, củ cải, tỏi... có chứa xanthone - một chất có đặc tính chống oxy hóa, chống viêm và chống cục máu đông. Các thực phẩm có màu trắng còn có thể ngăn ngừa các bệnh tim mạch, tăng cường hệ thống miễn dịch tự nhiên cho cơ thể, giải độc gan... Các thực phẩm gia vị có màu trắng như hành, tỏi chứa các hợp chất chống viêm allicin, tiêu diệt virus, vi khuẩn và nấm, nhờ đó ức chế sự phát triển của ung thư và giảm lượng đường trong máu.

Nhóm thực phẩm màu xanh lá cây bao gồm: Rau bina, dưa chuột, rau mùi tây, rau diếp, zucchini, măng tây, lá xanh và rau diếp xoăn romaine, bơ, kiwi, táo xanh, bông cải xanh, đậu Hà Lan... Chất diệp lục chứa trong thực phẩm xanh giúp ngăn ngừa ung thư, giải độc gan, và duy trì kiểm soát cân nặng và bảo vệ da khỏi các tác động của virus, giúp cơ thể phòng ngừa bệnh. Các loại thực phẩm màu xanh còn giàu chất lưu huỳnh có thể khử độc, loại bỏ chất độc ra khỏi cơ thể, ngăn ngừa ung thư và thoái hóa điểm vàng. Ngoài ra, rau lá xanh đậm cũng giàu folate và có tác dụng cải thiện khả năng sinh sản, kali giúp bảo vệ tim mạch. Thylakoids trong rau bina còn đặc biệt giúp tăng cường giảm cân và làm giảm ham muốn ăn uống không lành mạnh.

Nhóm thực phẩm màu xanh dương và tím bao gồm: Bắp cải tím, cà chua đen, cà tím, quả việt quất, mận, nho tím... làm giảm nguy cơ ung thư và rất tốt cho đường tiểu. Hợp chất anthocyanin trong loại thực phẩm này, giúp bảo vệ tế bào, tăng cường sức khỏe tim mạch, giảm cholesterol, chống béo phì, và tăng cường chức năng nhận thức.

Tài liệu tham khảo:

Hà Văn Thuyết và CS. 2015. Công nghệ bảo quản và chế biến rau quả. Nhà xuất bản Bách khoa Hà Nội.  

Nguyễn Vân Tiếp, Quách Đĩnh và Nguyễn Văn Thoa. 2008. Bảo quản và chế biến rau quả. Nhà xuất bản khoa học và kĩ thuật

Lê Văn Tán (chủ biên), Nguyễn Thi Hiền, Hoàng Thị Lệ Hằng và Quản Lê Hà. 2009. Công nghệ bảo quản và chế biến rau quả, Nhà xuất bản khoa học và kĩ thuật. 

Trần Thị Nhung - Bộ môn Thực phẩm dinh dưỡng