Bất chấp những nỗ lực của các quốc gia, các tổ chức, cá nhân trong việc đảm bảo an ninh lương thực và an ninh dinh dưỡng, tỷ lệ tổn thất nông sản sau thu hoạch và lãng phí thực phẩm trên thế giới vẫn ở mức khá cao, ước tính đến 1/3 lượng nông sản, thực phẩm sản xuất hàng năm (FAO, 2021). Để giúp cho những người sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam không cần kêu gọi “giải cứu” mỗi khi mùa thu hoạch đến, để nông sản, thực phẩm Việt Nam được biết đến ở nhiều thị trường trong nước và quốc tế, để người dân có thể làm giàu từ nông nghiệp thì Công nghệ sau thu hoạch là một cầu nối mang tính quyết định. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh COVID 19 đang diễn biến phức tạp, kéo dài trên thế giới và ở Việt Nam, nhu cầu bảo quản, tồn trữ, chế biến, đảm bảo chất lượng nông sản, thực phẩm càng trở nên vô cùng quan trọng đối với mọi người dân.

Công nghệ sau thu hoạch là một công đoạn quan trọng trong chuối cung ứng thực phẩm, ứng dụng khoa học công nghệ tác động lên nông sản, thực phẩm sau thu hoạch nhằm kéo dài thời gian bảo quản, duy trì chất lượng dinh dưỡng, cải thiện chất lượng vệ sinh an toàn và nâng cao giá trị thương phẩm của nông sản, thực phẩm. Bởi vậy, trong các chương trình đào tạo về Công nghệ thực phẩm, người học cần được cung cấp một số kiến thức và kỹ năng thuộc lĩnh vực Công nghệ sau thu hoạch. Khi cơ sở vật chất phục vụ đào tạo được bổ sung và nâng cấp, chất lượng đào tạo cho sinh viên, học viên cao học sẽ được cải thiện. Một trong số những nguồn kinh phí hỗ trợ để nâng cao chất lượng của cơ sở giáo dục đại học đến từ các dự án quốc tế.

leftcenterrightdel
 Học viên cao học đang bố trí thí nghiệm với thiết bị do dự án SAHEP tài trợ

Trong khuôn khổ Dự án Nâng cao chất lượng Giáo dục đại học (SAHEP) do Ngân hàng Thế giới tài trợ, Khoa Công nghệ thực phẩm đã có một cơ sở mới khang trang, là một tòa nhà 3 tầng bao gồm khu làm việc, hội họp, các hệ thống phòng thí nghiệm chuyên ngành và phòng dành cho nghiên cứu khoa học. Ở lĩnh vực Công nghệ sau thu hoạch, dự án đã trang bị thêm 17 loại thiết bị, dụng cụ phục vụ đào tạo và nghiên cứu, được phân loại theo nhóm sau: (i) nhóm thiết bị sử dụng để bảo quản thực phẩm như gồm hệ thống tủ mát, buồng khí hậu, (ii) nhóm thiết bị, dụng cụ dùng trong việc phân tích, đánh giá chất lượng thực phẩm như thiết bị đo khí, thước đo góc nghiêng, thước cặp điện tử, nhiệt ẩm kế, máy đo độ ẩm, máy cất nước, máy đo quang phổ UV_VIS, bu rét tự động…và (iii) một số thiết bị nghiên cứu chuyên dụng như hệ thống chưng cất tinh dầu, buồng đếm tế bào vi sinh vật, bàn thí nghiệm…Những thiết bị được trang bị hầu hết là những vật dụng thiết yếu, đã được đưa vào hoạt động, góp phần cải thiện chất lượng những bài thực hành, thực tập thuộc các học phần do Bộ môn Công nghệ sau thu hoạch phụ trách, hỗ trợ hoạt động nghiên cứu của nhiều cán bộ, giảng viên trong khoa, phục vụ cho việc làm đề tài thực tập tốt nghiệp của sinh viên, học viên cao học và nhóm sinh viên nghiên cứu khoa học. Đặc biệt, những thiết bị trên đã hỗ trợ cho một số sinh viên quốc tế đang học cao học tại khoa trong khuôn khổ dự án VLIR do Bỉ tài trợ.

Trong thời gian tới, với việc tăng cường khai thác, sử dụng hiệu quả các dụng cụ, thiết bị mới được bổ sung, khoa Công nghệ thực phẩm sẽ tiếp tục nâng cao được chất lượng đào tạo, có thêm nhiều đề tài, dự án nghiên cứu và những sản phẩm khoa học có giá trị để phục vụ cộng đồng. 

Bộ môn Công nghệ sau thu hoạch