Đầu năm du xuân trẩy hội và lễ đi chùa đã trở thành một nét đẹp truyền thống của người Việt Nam nói chung và của CBVC Khoa Công nghệ thực phẩm nói riêng. Nhân dịp đầu xuân năm mới, được sự quan tâm và tạo điều kiện của Ban chủ nhiệm Khoa, Chủ Nhật ngày 10/03/2019, Công đoàn Khoa Công nghệ thực phẩm tổ chức du xuân đầu năm cho CBVC và các gia đình trong Khoa tại Hải Dương (Các địa điểm đoàn đi tham quan gồm có: Chùa Côn Sơn, Đền Kiếp Bạc, Đền Quan Lớn Tuần Tranh, Đảo Cò). Đây cũng là dịp để mọi người trước là thể hiện tình yêu với cội nguồn dân tộc, đi lễ cầu may, sau là dịp để thăm thú cảnh đẹp, giao lưu giữa các gia đình.
Chùa Côn Sơn nằm dưới chân núi Côn Sơn, có tên chữ là "Thiên Tư Phúc Tự", nghĩa là chùa được trời ban cho phước lành. Khu di tích Côn Sơn là mảnh đất gắn bó với tên tuổi và sự nghiệp của nhiều danh nhân đất Việt như Trần Nguyên Đán, Huyền Quang và đặc biệt là người anh hùng dân tộc - danh nhân văn hoá thế giới Nguyễn Trãi. Điểm nhấn của khu di tích này là Chùa Côn Sơn, nơi hội tụ những giá trị to lớn về lịch sử, văn hoá, tôn giáo của Việt Nam.
Đền Kiếp Bạc ở nơi thung lũng trù phú, xung quanh có dãy núi Rồng bao bọc tạo. Vào thế kỷ 13, đây là nơi đóng quân và là phủ đệ của Trần Hưng Ðạo, người anh hùng dân tộc, người chỉ huy quân sự tối cao trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông. Đền Kiếp Bạc là nơi thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo- “Vị Thánh sống duy nhất trong đời sống tâm linh, tinh thần của người Việt”
Đền Tranh hay còn gọi là đền Quan Lớn Tuần Tranh nằm ở gần bến đò Tranh, Tổng Bất Bế, huyện Vĩnh Lại thời Lê và Nguyễn, nay thuộc xã Đồng Tâm, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương, thờ vị thần sông nước coi khúc sông. Đây là một ngôi đền lớn thờ nhân vật mang tính huyền thoại theo tín ngưỡng dân gian.
Đảo cò Chi Lăng Nam ở Hải Dương được mệnh danh là điểm du lịch sinh thái “độc nhất vô nhị” của miền Bắc, với hàng vạn chú cò, vạc, chim nước cùng quần tụ giữa không gian xanh mát của một vùng quê thanh bình. Theo ước tính, hiện nay Đảo cò Chi Lăng Nam có tới 12.000 con cò gồm nhiều giống khác nhau như: cò trắng, cò ruồi, cò nghênh, cò ngàng nhỏ, cò bợ, cò diệc, cò lửa, cò đen, cò hương... và hơn 5.000 con vạc gồm: vạc lưng xanh, vạc xám, vạc sao... cùng với một số loài chim nước khác như: diệc xám, chim chả, bói cá, bồng chanh, cuốc, cú mèo... Ngoài ra, lòng hồ An Dương còn có nhiều loài cá như: cá chép, cá nheo, cá quả, cá vược, cá bơn, cá chạch...
Chuyến du xuân ý nghĩa này không chỉ đem đến cho toàn thể CBVC Khoa Công nghệ thực phẩm niềm hứng khởi với mong muốn khởi đầu một năm mới may mắn, thuận lợi, mà đây cũng là dịp cùng nhau có những trải nghiệm thú vị, để các gia đình trong Khoa Công nghệ thực phẩm tăng thêm tình đoàn kết, sự gắn bó lẫn nhau tạo động lực làm việc và cống hiến hết mình cho Khoa Công nghệ thực phẩm.
Một số hình ảnh của chuyến đi