I.   GIỚI THIỆU CHUNG VỀ HIỆP ĐỊNH EVFTA

1.1.  Hoàn cảnh ra đời

Hiệp định EVFTA được khởi động và kết thúc đàm phán trong bối cảnh quan hệ song phương Việt Nam - EU ngày càng phát triển tốt đẹp, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế-thương mại. EU hiện đang là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam với kim ngạch hai chiều năm 2019 đạt 56,45 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 41,5 tỷ USD, nhập khẩu từ EU đạt 14,9 tỷ USD. EVFTA là một Hiệp định toàn diện, chất lượng cao và đảm bảo cân bằng lợi ích cho cả Việt Nam và EU, trong đó cũng đã lưu ý đến chênh lệch về trình độ phát triển giữa hai bên.

Nếu được đưa vào thực thi, EVFTA sẽ là cú hích rất lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng nông, thủy sản cũng như những mặt hàng Việt Nam vốn có nhiều lợi thế cạnh tranh. Những cam kết dành đối xử công bằng, bình đẳng, bảo hộ an toàn và đầy đủ cho các khoản đầu tư và nhà đầu tư của nhau trong .

Về mặt chiến lược, việc đàm phán và thực thi các Hiệp định này cũng gửi đi một thông điệp tích cực về quyết tâm của Việt Nam trong việc thúc đẩy sự hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới trong bối cảnh tình hình kinh tế địa chính trị đang có nhiều diễn biến phức tạp và khó đoán định.

1.2.  Những mốc thời gian chính

Tháng 10 năm 2010: Thủ tướng Chính phủ Việt Nam và Chủ tịch EU đã đồng ý khởi động đàm phán Hiệp định EVFTA.

Tháng 6 năm 2012: Bộ trưởng Công Thương Việt Nam và Cao ủy Thương mại EU đã chính thức tuyên bố khởi động đàm phán Hiệp định EVFTA.

Tháng 12 năm 2015: Kết thúc đàm phán và bắt đầu rà soát pháp lý để chuẩn bị cho việc ký kết Hiệp định. 

Tháng 6 năm 2017: Hoàn thành rà soát pháp lý ở cấp kỹ thuật

Tháng 9 năm 2017: EU chính thức đề nghị Việt Nam tách riêng nội dung bảo hộ đầu tư và cơ chế giải quyết tranh chấp giữa Nhà nước với nhà đầu tư (ISDS) ra khỏi Hiệp định EVFTA thành một hiệp định riêng do phát sinh một số vấn đề mới liên quan đến thẩm quyền phê chuẩn các hiệp định thương mại tự do của EU hay từng nước thành viên. Theo đề xuất này, EVFTA sẽ được tách thành hai hiệp định riêng biệt, bao gồm:

Hiệp định Thương mại tự do bao gồm toàn bộ nội dung EVFTA hiện nay nhưng phần đầu tư sẽ chỉ bao gồm tự do hóa đầu tư trực tiếp nước ngoài. Với Hiệp định này, EU có quyền phê chuẩn và đưa vào thực thi tạm thời.

Hiệp định Bảo hộ đầu tư (Hiệp định IPA) bao gồm nội dung bảo hộ đầu tư và giải quyết tranh chấp đầu tư. Hiệp định IPA này phải được sự phê chuẩn của cả Nghị viện Châu Âu và của Nghị viện các nước thành viên thì mới có thể thực thi.

Tháng 6 năm 2018: Việt Nam và EU đã chính thức thống nhất việc tách riêng EVFTA thành hai hiệp định gồm Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (IPA); chính thức kết thúc toàn bộ quá trình rà soát pháp lý Hiệp định EVFTA; và thống nhất toàn bộ các nội dung của Hiệp định IPA.

Tháng 8 năm 2018: Hoàn tất rà soát pháp lý Hiệp định IPA.

Ngày 17 tháng 10 năm 2018: Ủy ban châu Âu đã chính thức thông qua EVFTA và IPA.  

Ngày 25 tháng 6 năm 2019: Hội đồng châu Âu đã phê duyệt cho phép ký Hiệp định.  

Ngày 30 tháng 6 năm 2019: Việt Nam và EU chính thức ký kết EVFTA và IPA.

Ngày 21 tháng 1  năm 2020: Ủy ban Thương mại Quốc tế Liên minh châu Âu thông qua khuyến nghị phê chuẩn EVFTA.

Ngày 30 tháng 3 năm 2020: Hội đồng châu Âu thông qua Hiệp định EVFTA

Ngày 08 tháng 6 năm 2020: Quốc hội Việt Nam phê chuẩn Hiệp định EVFTA và EVIPA

1.3.   Một số nội dung chính của hiệp định EVFTA

Theo Bộ Công thương, Hiệp định EVFTA gồm 17 Chương, 2 Nghị định thư và một số định chung và cam kết mở cửa thị trường), quy tắc xuất xứ, hải quan và thuận lợi hóa thương mại, các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm (SPS), các rào cản kỹ thuật trong thương mại (TBT), thương mại dịch vụ (gồm các quy định chung và cam kết mở cửa thị trường), đầu tư, phòng vệ thương mại, cạnh tranh, doanh nghiệp nhà nước, mua sắm của Chính phủ, sở hữu trí tuệ, thương mại và Phát triển bền vững, hợp tác và xây dựng năng lực, các vấn đề pháp lý - thể chế.

1.3.1. Xóa bỏ hàng rào thuế xuất nhập khẩu

Đối với hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang EU: Khoảng 85,6% dòng thuế nhập khẩu sẽ được xóa bỏ ngay sau khi hiệp định EVFTA có hiệu lực (tương ứng 70,3% kim ngạch xuất khẩu). Sau 07 năm hiệp định EVFTA được đưa vào thực thi, phía EU sẽ xóa bỏ 99,2% dòng thuế nhập khẩu (tương ứng 99,7% kim ngạch xuất khẩu). Phía EU cũng cam kết trong 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại, sẽ dành hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0% cho Việt Nam.

Đây là mức cam kết cao nhất trong các hiệp định FTA mà Việt Nam từng đạt được với đối tác. Gần như 100% kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ hoàn toàn thuế quan chỉ sau lộ trình 07 năm. Điều này đặc biệt có ý nghĩa với sự phát triển của các ngành xuất nhập khẩu Việt Nam, bởi vì EU vốn là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của nước ta.

Đối với hàng hóa EU nhập khẩu vào Việt Nam: Khoảng 48,5% dòng thuế nhập khẩu sẽ được Việt Nam cam kết xóa bỏ ngay khi hiệp định EVFTA có hiệu lực (tương ứng 64,5% kim ngạch nhập khẩu). Bảy năm tiếp đó, mức xóa bỏ thuế quan của Việt Nam sẽ nâng lên thành 91,8% (tương ứng 97,1% kim ngạch nhập khẩu). Và sau 10 năm, 98,3% số dòng thuế nhập khẩu từ EU sang Việt Nam sẽ được xóa bỏ hoàn toàn (tương ứng 99,8% kim ngạch nhập khẩu). Với 1,7% số dòng thuế còn lại với hàng nhập khẩu từ EU, nước ta sẽ áp dụng lộ trình xóa thuế quan hơn 10 năm hoặc tuân thủ theo cam kết WTO để tính hạn ngạch thuế.

1.3.2. Thúc đẩy đầu tư từ EU vào Việt Nam

Nhằm tạo ra môi trường đầu tư cởi mở và thuận lợi cho doanh nghiệp cả phía Việt Nam lẫn EU, hiệp định EVFTA đã đề ra một vài cam kết đầu tư cho dịch vụ chuyên môn, tài chính, viễn thông, vận tải và phân phối. Đây là mức cam kết cao nhất mà Việt Nam từng đạt được trong các hiệp định thương mại tự do, cao hơn cả cam kết trong WTO.

Cùng điểm qua đôi nét cam kết tiêu biểu trong các ngành dịch vụ:

Dịch vụ ngân hàng: 05 năm sau khi hiệp định EVFTA có hiệu lực, các tổ chức tín dụng EU sẽ được xem xét thuận lợi cho việc nâng mức nắm giữ 49% vốn điều lệ nước ngoài trong hai ngân hàng thương mại cổ phần của Việt Nam (không bao gồm BIDV, Vietinbank, Vietcombank, Agribank).

Dịch vụ bảo hiểm: Phía Việt Nam cam kết dịch vụ bảo hiểm y tế tự nguyện theo luật trong nước và cho phép tái nhượng bảo hiểm qua biên giới. Còn việc thành lập chi nhánh công ty tái bảo hiểm sẽ chỉ được cho phép trong một giai đoạn quá độ.

Dịch vụ viễn thông: Mức cam kết của lĩnh vực này tương đương với trong Hiệp định CPTPP. Đối với dịch vụ viễn thông giá trị gia tăng không có hạ tầng mạng, phía EU được phép lập doanh nghiệp có 100% vốn điều lệ nước ngoài sau một giai đoạn quá độ.

Dịch vụ phân phối: Sau 05 năm kể từ khi hiệp định EVFTA có hiệu lực, Việt Nam sẽ bỏ yêu cầu kiểm tra nhu cầu kinh tế, nhưng vẫn bảo lưu quyền thực hiện quy hoạch hệ thống phân phối trên nền tảng không phân biệt đối xử. Việt Nam cũng sẽ đảm bảo không phân biệt đối xử với doanh nghiệp EU trong lĩnh vực sản xuất, nhập khẩu, phân phối rượu, cho phép bảo lưu điều kiện hoạt động của các giấy phép hiện hành và chỉ yêu cầu một giấy phép duy nhất để tham gia vào các hoạt động nhập khẩu, phân phối, bán buôn và bán lẻ.

1.3.3. Bảo hộ sở hữu trí tuệ

Thỏa thuận về sở hữu trí tuệ giữa Việt Nam và EU tuân theo các quy định về pháp luật hiện hành, bao gồm cam kết về bản quyền, sáng chế, chỉ dẫn địa lý, cam kết liên quan tới dược phẩm, v.v. 

Một vài điểm nhấn về quyền sở hữu trí tuệ là:

Về chỉ dẫn địa lý: Ngay khi hiệp định EVFTA có hiệu lực, Việt Nam cam kết bảo hộ 160 chỉ dẫn địa lý của 28 nước thành viên liên minh châu Âu, đồng thời, phía EU cũng sẽ bảo hộ 39 chỉ dẫn địa lý của nước ta. Đây là một tín hiệu tốt với ngành xuất khẩu nông sản Việt Nam, vì phần lớn các chỉ dẫn địa lý đều liên quan tới nông sản và thực phẩm, góp phần giúp xây dựng thương hiệu quốc gia tại thị trường châu Âu.

Về nhãn hiệu: Việt Nam và EU đảm bảo thủ tục đăng ký thương hiệu thuận lợi, minh bạch, phải có cơ sở dữ liệu điện tử để công chúng tra cứu về các nhãn hiệu đã được đăng ký và công bố, và ngưng hiệu lực với các nhãn hiệu đã đăng ký nhưng không hoạt động trong vòng 5 năm.

Về thực thi: Đối với hàng xuất khẩu tại biên giới bị nghi ngờ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hiệp định EVFTA có quy định về kiểm soát và xử phạt.

1.3.4. Bình đẳng doanh nghiệp

Nhằm tạo dựng một môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, hiệp định EVFTA có một chương quy định riêng về Doanh nghiệp nhà nước. Các nghĩa vụ chính được liệt kê trong chương này là:

Hoạt động theo cơ chế thị trường: Doanh nghiệp có quyền tự chọn hoạt động kinh doanh mà không chịu sự can thiệp của Nhà nước, trừ phi thực hiện mục tiêu theo chính sách công.

Không phân biệt đối xử: Đảm bảo bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong mua bán hàng hóa, dịch vụ với các ngành và lĩnh vực đã mở cửa.

Minh bạch hóa: Minh bạch mọi thông tin cơ bản của doanh nghiệp tham gia vào nền kinh tế, đáp ứng quy định của pháp luật hiện hành.

1.3.5. Phát triển thương mại điện tử

Việt Nam và EU cam kết không đánh thuế nhập khẩu với giao dịch điện tử để thúc đẩy phát triển thương mại điện tử song phương. Các vấn đề quản lý thương mại điện tử được đề ra trong cam kết này bao gồm:

Xác định trách nhiệm của nhà cung cấp dịch vụ trung gian về vấn đề truyền dẫn và lưu trữ thông tin.

Cách xử lý các hình thức marketing trực tuyến (email, quảng cáo chào hàng) mà không được sự cho phép từ người nhận.

Bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng khi gia giao dịch trực tuyến.

1.3.6. Minh bạch hóa thị trường

Hiệp định thương mại tự do EVFTA có những điều khoản về tăng cường sự minh bạch nhằm xây dựng một môi trường pháp lý hiệu quả, công bằng, hỗ trợ đưa ra các dự đoán chính xác về chủ thể kinh tế trong tương lai, đặc biệt với doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Với những quyền lợi mà hiệp định EVFTA đem lại, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam sang EU dự kiến sẽ tăng lên 20% vào năm 2020; 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030, theo ước tính của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Đây là thời cơ để Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu, thu hút đầu tư và hội nhập sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, tránh lệ thuộc vào một một vài thị trường xuất khẩu nhất định. 

1.4.  Quan hệ song phương Việt Nam – EU

Ngày 22/10/1990, Việt Nam và Cộng đồng châu Âu (EC) chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Đây là kết quả của một quá trình vận động từ cả hai phía trước những biến động sâu sắc của tình hình thế giới và khu vực. Thập niên 80 của thế kỷ XX đầy biến động, tạo tiền đề kết thúc chiến tranh lạnh đã khiến tất cả các quốc gia phải định hướng lại những ưu tiên đối ngoại của mình.

Các hoạt động hợp tác song phương giữa EC và Việt Nam trong những năm đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao được khởi đầu từ một vấn đề nhân đạo. Đó là Chương trình quốc tế của EC (European Community International Programme - ECIP) do EC phối hợp với Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn, hỗ trợ cho người Việt Nam hồi hương và tái hòa nhập cộng đồng. Kết quả của chương trình này có ý nghĩa quan trọng đối với quan hệ Việt Nam - EC nói chung khi mở ra cánh cửa hợp tác trong các lĩnh vực khác, và đối với Việt Nam nói riêng, khi thông qua đó, cộng đồng quốc tế thấy được sự nghiêm túc, độ tin cậy của Việt Nam trong các cam kết quốc tế với châu Âu cũng như thế giới.

Ý tưởng về ký kết Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa EU và Việt Nam đã được Ủy viên Thương mại EU Ca-ren đơ Gút đề xuất trong cuộc gặp với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng từ tháng 6/2010. Chỉ 4 tháng sau, hai bên đã nhất trí khởi động đàm phán FTA Việt Nam - EU (EVFTA). Tiến trình đàm phán EVFTA đã bắt đầu từ tháng 6/2012 và kết thúc vào tháng 12/2015. Tháng 6/2018, hai bên đã nhất trí tách phần đầu tư ra thành Hiệp định Bảo hộ đầu tư (IPA). Ngày 30/6/2018, EU và Việt Nam đã chính thức ký kết EVFTA và IPA. Hai năm sau,  EVFTA được Hội đồng châu Âu thông qua vào ngày 30/3/2020 và phía Việt Nam phê chuẩn vào ngày 8/6/2020. Ngày 1/8/2020, EVFTA chính thức có hiệu lực.

1.5.   Những thuận lợi và khó khăn trong quan hệ Việt Nam - Liên minh châu Âu

·  Thuận lợi:

-  Quan hệ Việt Nam - EU trong thời gian tới có xu hướng thuận lợi nhiều hơn thách thức do cả hai bên đều có nhu cầu thúc đẩy quan hệ song phương này.

-  Với EVFTA và IPA, quan hệ thương mại đã trở thành trụ cột trong phát triển quan hệ giữa hai bên. Việc triển khai hai hiệp định này sẽ mở rộng thị trường cho các ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam (dệt may, giầy dép, hàng nông sản...), cũng là cơ hội tiếp cận với các thiết bị, công nghệ, kỹ thuật cao của EU

·   Khó khăn:

-   Sự khắt khe của thị trường EU với nhiều tiêu chuẩn mới, đòi hỏi cao hơn về kỹ thuật, môi trường, vệ sinh an toàn, bảo vệ quyền người lao động,... cùng với chính sách bảo hộ nông nghiệp... Hay việc EU tập trung vực dậy thị trường nội khối, thắt chặt chi tiêu và hạn chế đầu tư ra bên ngoài sẽ có những tác động nhất định đến việc thu hút dòng đầu tư chất lượng cao của Việt Nam.

-   Về an ninh - chính trị, sự hiện diện của EU tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương không rõ ràng và mạnh mẽ như ở lĩnh vực kinh tế. Chính vì vậy, tiếng nói của EU trong các vấn đề xung đột hiện nay chưa có nhiều tác động sâu sắc. Việt Nam cần xác định rõ tầm ảnh hưởng của EU trong các vấn đề này để từ đó có thể tận dụng vị thế “trung gian” và quan điểm ủng hộ hòa bình và luật pháp quốc tế của EU.

II.  NHỮNG THUẬN LỢI KHI XUẤT KHẨU VÀ NHẬP KHẨU NÔNG SẢN SAU KHI HIỆN ĐỊNH EVFTA ĐƯỢC THỰC HIỆN

2.1.  Những thuận lợi khi xuất khẩu nông sản và thủy sản Việt Nam sang thị trường châu Âu

·  Nông sản

-  Khi EVFTA có hiệu lực, sẽ giúp nông sản VN có nhiều cơ hội mở rộng xuất khẩu với các mặt hàng chiến lược và có lợi thế nhờ các cam kết cắt giảm thuế quan.

-  Các mặt hàng chủ lực khác của Việt Nam như cà phê, hạt tiêu, hạt điều đều có thuế suất 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực.

-  Đối với sản phẩm chăn nuôi, thuế bằng 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực với động vật sống, thịt lợn, thịt trâu bò đông lạnh và lộ trình sau 5-7 năm đối với thịt gia cầm và thịt gia súc qua chế biến.

-  Xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực đối với 17 dòng thuế rau quả và chế phẩm rau quả (tương đương 5,94%); xóa bỏ tất cả các dòng thuế thuộc nhóm sản phẩm này trong vòng từ 6-8 năm; không duy trì bất kỳ biện pháp hạn ngạch nào với nhóm sản phẩm này.

-  Cà phê xuất khẩu sang EU đang phải chịu thuế 7,5-11,5%, nhưng đã đạt 1,09 tỷ USD năm 2019 (chiếm 37,9% giá trị xuất khẩu cà phê Việt Nam). Ngay sau khi EVFTA có hiệu lực, thuế nhập khẩu cà phê từ Việt Nam và EU sẽ được xóa bỏ hoàn toàn. Đây là cơ hội lớn để Việt Nam tăng sức cạnh tranh, đẩy mạnh xuất khẩu cà phê vào thị trường rất quan trọng này.

-  Với mặt hàng gạo, năm 2019, Việt Nam chỉ xuất khẩu được sang EU với giá trị khiêm tốn là 10,7 triệu USD, bởi thuế suất mà EU đang áp lên gạo nhập khẩu từ Việt Nam khá cao, cụ thể là thuế tuyệt đối 175 EUR/tấn với gạo xay xát, 65 EUR/tấn với gạo tấm, 211 EUR/tấn với lúa. Theo cam kết trong EVFTA, EU sẽ giành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo (thuế 0%) đối với gạo xay xát và gạo thơm, đồng thời xóa bỏ thuế đối với gạo tấm trong 5 năm. Đây là cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu gạo sang EU trong thời gian tới, bởi khu vực này đang tiêu thụ khoảng 2,5 triệu tấn gạo/năm.

·  Thuỷ sản:

-  Xuất khẩu (XK) thủy sản của cả nước từ tháng 9/2020 bắt đầu hồi phục với mức tăng trên 12% so với cùng kỳ năm ngoái.

-  Trong tháng 10, XK tôm tiếp tục đà tăng trưởng tốt từ những tháng trước với mức tăng trên 21%, đạt gần 419 triệu USD, đưa tổng XK 10 tháng lên 3,1 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ.

-  Với sản phẩm thủy sản (trừ cá ngừ đóng hộp và cá viên), EU sẽ xóa bỏ thuế quan đối với 86,5% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong vòng 3 năm; 90,3% trong vòng 5 năm và 100% trong vòng 7 năm.

-  Đối với cá ngừ đóng hộp, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan là 11.500 tấn/năm. Đối với cá viên, EU dành hạn ngạch thuế quan cho Việt Nam là 500 tấn/năm. . Các sản phẩm hải sản khác như hàu, điệp, mực… sẽ được giảm thuế nhập khẩu ngay về 0% từ mức 20%. Các sản phẩm mực, bạch tuộc đông lạnh hiện đang chịu có mức thuế 6 – 8% sẽ giảm ngay về 0%, cá cờ kiếm từ 7,5% về 0%…

2.2.  Những thuận lợi khi nhập khẩu nông sản từ các nước châu Âu

Mở rộng thị trường tiêu dùng sản phẩm nông nghiệp

Tăng tính kết nối giữa các doanh nghiệp thông qua việc tham gia chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu

EVFTA không chỉ mở ra cơ hội tăng trưởng xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam vào thị trường châu Âu, mà nó còn có giá trị đối với việc nhập khẩu nguyên liệu của các ngành hàng khác nhau

Thu hút các dự án đầu tư từ các nước châu Âu trong lĩnh vực nông nghiệp, giúp chuyển giao công nghệ, cách thức tổ chức sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp

Theo nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hiệp định EVFTA sẽ giúp kim ngạch nhập khẩu từ EU cũng tăng nhưng với tốc độ thấp hơn xuất khẩu, đồng thời các doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ được hưởng lợi từ nguồn hàng hóa nhập khẩu với mức giá giảm hơn trước, cụ thể là khoảng 15,28% vào năm 2020; 33,06% vào năm 2025 và 36,7% vào năm 2030.

III.  NHỮNG THÁCH THỨC ĐỐI VỚI NÔNG SẢN VIỆT NAM KHI HIỆP ĐỊNH EVFTA ĐƯỢC THỰC HIỆN

Bên cạnh những cơ hội để mở rộng thị trường xuất khẩu, hàng nông sản của Việt Nam vẫn phải đối mặt với không ít thách thức khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực:

·  Sức ép cạnh tranh trên thị trường nội địa, những quy định liên quan vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP), môi trường, lao động và quy trình công nghệ sản xuất, chế biến,…
Cạnh tranh với hàng nhập khẩu từ Việt Nam được hưởng ưu đãi về thuế, nên các nước thành viên EU sẽ rất chú trọng tới các quy định về hàng rào kỹ thuật trong thương mại.
Hiệp định EVFTA hướng tới mức độ xóa bỏ thuế nhập khẩu lên tới 99,2% số dòng thuế. Tuy nhiên, để được hưởng mức ưu đãi này, hàng xuất khẩu sang EU cần thỏa mãn quy tắc xuất xứ, đây có thể là một cản trở đối với hàng xuất khẩu Việt Nam bởi nguồn nguyên liệu cho các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam hiện nay chủ yếu được nhập khẩu từ Trung Quốc và ASEAN. Nếu không đảm bảo được quy tắc xuất xứ, hàng xuất khẩu của Việt Nam sang EU chỉ được hưởng mức thuế đãi ngộ tối huệ quốc (MFN) chứ không phải là mức thuế suất 0% như trong EVFTA. 

·  EVFTA có ưu đãi với những quy định SPS (hiệp định áp dụng biện pháp kiểm định động thực vật) linh hoạt nhưng đa số ngành hàng nông sản của nước ta như chè, rau quả… vẫn nhỏ lẻ, tự phát, trong khi ở một số nơi, nông dân chưa được hướng dẫn về sản xuất sạch, an toàn, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, tiêu chuẩn chất lượng, xây dựng chuỗi giá trị toàn cầu cho nông sản.

·  Các quy định về truy xuất nguồn gốc của các nước nhập khẩu hàng hóa ngày càng chặt chẽ và khắt khe hơn, nguy cơ hàng Việt bị “mượn danh” xuất sang EU cũng từng được các chuyên gia kinh tế cảnh báo. Điều này gây ra nhiều hệ lụy khiến hàng hóa Việt Nam xuất vào EU có thể bị áp thuế chống bán phá giá cao.

Tổng hợp: Khoa Công nghệ Thực phẩm