Gà Tiên Yên không chỉ nổi tiếng với chất lượng thịt thơm ngon, mà còn chứa đựng giá trị ẩm thực sâu sắc của vùng đất Quảng Ninh. Nhờ việc áp dụng công nghệ chế biến khác nhau, những sản phẩm mới từ gà Tiên Yên đã được hình thành, góp phần làm phong phú và nâng cao giá trị đặc sản địa phương, đồng thời mở rộng thị trường tiêu thụ.

Sáng thứ 6 ngày 6/12/2024, Ban chủ nhiệm dự án và Khoa Công nghệ thực phẩm, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã tổ chức Hội nghị giới thiệu các sản phẩm chế biến từ gà Tiên Yên thuộc dự án: “Hoàn thiện và ứng dụng quy trình công nghệ chế biến sản phẩm từ gà cho gà Tiên Yên” theo CV số 362/KTHT ngày 29 tháng 11 năm 2024 về việc kiểm tra dự án và tham gia nội dung của Phòng Kinh tế và Hạ tầng, huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh. Mục đích của hội nghị là giới thiệu các sản phẩm chế biến từ gà Tiên Yên, tiếp nhận ý kiến đóng góp từ các bên liên quan để cải tiến chất lượng sản phẩm, đồng thời tạo cơ hội trao đổi, thảo luận về các hướng hợp tác nghiên cứu, phát triển giữa Học viện Nông nghiệp Việt Nam và tỉnh Quảng Ninh, đặc biệt là huyện Tiên Yên.

Đến dự với hội nghị có sự tham dự của ông Vi Quốc Phương, phó chủ tịch UBND huyện Tiên Yên cùng các đại biểu đến từ Hội nông dân huyện Tiên Yên; phòng Tài chính - Kế hoạch; phòng Kinh tế và Hạ tầng; VP HĐND & UBND huyện Tiên Yên. Về phía Học viện Nông nghiệp Việt Nam, có sự tham dự của PGS. TS. Vũ Ngọc Huyên, Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cùng đại diện ban Khoa học và Công nghệ, Ban Tài chính và Kế toán, Khoa Công nghệ thực phẩm, Nhóm nghiên cứu mạnh Vi sinh vật và an toàn thực phẩm, cùng các thành viên dự án. Ngoài ra, hội nghị còn có sự góp mặt của cơ quan truyền thông, chủ các nhà hàng, siêu thị mini.

Tại hội nghị, PGS.TS Vũ Ngọc Huyên, Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết Quảng Ninh có nhiều lợi thế và kinh nghiệm trong phát triển nông nghiệp, đặc biệt là các sản phẩm OCOP, với ngân sách hàng năm từ 600-800 tỷ đồng đầu tư cho KHCN. Điều này đã thúc đẩy các mô hình sản xuất hiện đại, như trang trại công nghệ cao, HTX hoạt động như doanh nghiệp và các vùng sản xuất chuyên canh, tiêu biểu là các sản phẩm gà Tiên Yên, lợn Móng Cái, miến dong Bình Liêu.

Tiên Yên, với nỗ lực tái cơ cấu nông nghiệp, đã phát triển mô hình nuôi gà Tiên Yên thảo dược, góp phần nâng cao giá trị và tạo ra đầu ra ổn định cho người nuôi. Hiện nay, gà Tiên Yên đã trở thành sản phẩm chủ lực của tỉnh, với hơn 1,3 triệu con, được hỗ trợ phát triển thương hiệu và đưa vào chương trình OCOP. PGS.TS Vũ Ngọc Huyên kỳ vọng thông qua dự án "Hoàn thiện và ứng dụng quy trình công nghệ chế biến sản phẩm từ gà Tiên Yên", Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Quảng Ninh và Tiên Yên sẽ cùng nhau phát triển sản phẩm gà Tiên Yên thành thương hiệu uy tín, phục vụ nhu cầu thị trường.

leftcenterrightdel
PGS. TS Vũ Ngọc Huyên, Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam phát biểu khai mạc 

Theo ông Vi Quốc Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Yên, từ năm 2015, huyện đã triển khai đề án “2 con, 1 cây” với gà Tiên Yên là chủ đạo, dẫn đến sự gia tăng số lượng đàn gà qua từng năm. Đến năm 2023, huyện Tiên Yên có hơn 1,2 triệu con gà tại 400 cơ sở và 7 HTX, với quy mô mỗi cơ sở từ 500 con trở lên. Gà Tiên Yên là nguồn thu nhập chính giúp nhiều hộ dân thoát nghèo, nhưng hiện nay sản phẩm vẫn chưa được nhiều người biết đến.

Để nâng cao giá trị gà Tiên Yên, huyện Tiên Yên đang nghiên cứu giảm thời gian nuôi, hạ chi phí chăn nuôi, cũng như phát triển công thức phối trộn thức ăn để tạo ra sản phẩm ít mỡ, đáp ứng nhu cầu thị trường. Đồng thời, huyện cũng hợp tác với Học viện Nông nghiệp Việt Nam để nghiên cứu các phương pháp chế biến mới như gà ủ muối hoa tiêu, gà ủ thảo dược, gà ủ xì dầu xông khói, nhằm gia tăng giá trị và mở rộng thị trường, đồng thời bù đắp chi phí nuôi gà, vì thời gian nuôi gà Tiên Yên thường kéo dài từ 6-8 tháng

Thông qua nghiên cứu và phát triển sản phẩm, cộng đồng sẽ hiểu rõ hơn về giá trị dinh dưỡng và lợi ích của sản phẩm địa phương. Điều này không chỉ thúc đẩy tiêu dùng nội địa mà còn góp phần phát triển kinh tế địa phương, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và xây dựng chuỗi giá trị bền vững.

leftcenterrightdel
Ông Vi Quốc Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Yên phát biểu 

Tiếp nối sau phần phát biểu của ông Vi Quốc Phương là phần giới thiệu về Học viện Nông nghiệp Việt Nam và hoạt động KHCN được trình bày bởi ThS. Trần Duy Tùng, Phó trưởng ban KHCN và phần giới thiệu năng lực nhóm NCM VSV và ATTP của PGS. TS. Nguyễn Thị Thanh Thủy, Trưởng nhóm NCM. Bên cạnh giới thiệu năng lực của nhóm NCM, PGS. TS. Nguyễn Thị Thanh Thủy còn đề xuất một số hướng nghiên cứu có thể thực hiện với tỉnh Quảng Ninh nói chung và huyện Tiên Yên nói riêng.

leftcenterrightdel
 PGS. TS. Nguyễn Thị Thanh Thuỷ giới thiệu về nhóm NCM Vi sinh vật và an toàn thực phẩm và hướng nghiên cứu

Về nội dung giới thiệu sản phẩm và báo cáo kết quả dự án “Hoàn thiện và ứng dụng quy trình công nghệ chế biến sản phẩm từ gà Tiên Yên”, TS. Vũ Quỳnh Hương, chủ nhiệm dự án, đã trình bày chi tiết mục tiêu của dự án, bao gồm việc hoàn thiện quy trình công nghệ chế biến gà Tiên Yên, xây dựng mô hình thiết bị chế biến quy mô thủ công và thiết lập các tiêu chuẩn cho ba sản phẩm chế biến chủ lực: gà ủ muối hoa tiêu, gà ủ thảo dược và gà ủ xì dầu xông khói.

Kết quả của dự án cho thấy những bước tiến quan trọng, bao gồm việc khảo sát và lựa chọn ba cơ sở chế biến tham gia, xác định thời điểm giết mổ tối ưu, hoàn thiện quy trình chế biến thủ công cho từng sản phẩm, đồng thời tư vấn và hỗ trợ cải tạo nhà xưởng cho các cơ sở sản xuất. Dự án cũng đã thực hiện thử nghiệm quy trình sản xuất, tiến hành phân tích chất lượng sản phẩm, xây dựng tiêu chuẩn cơ sở, mã vạch, và thiết kế, in ấn bao bì sản phẩm.

Mặc dù đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, dự án vẫn còn một số vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu và cải thiện, như việc giảm tỉ lệ mỡ trong sản phẩm và phát triển thêm các dòng sản phẩm chế biến khác từ gà để đa dạng hóa danh mục sản phẩm và kéo dài thời gian bảo quản. Dự án hướng đến việc nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường ngày càng cao, và góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của kinh tế địa phương.

leftcenterrightdel
TS. Vũ Quỳnh Hương, chủ nhiệm dự án, trình bày kết quả nghiên cứu 

Kết thúc hội nghị, chủ nhiệm dự án và nhóm nghiên cứu đã lắng nghe những ý kiến góp ý từ các bên liên quan, đây là những thông tin quý báu nhằm giúp cho việc nghiên cứu các sản phẩm chế biến từ gà Tiên Yên và các đặc sản Quảng Ninh không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn bảo tồn văn hóa, phát triển bền vững và nâng cao nhận thức cộng đồng. Đây là những bước quan trọng trong việc xây dựng một nền kinh tế địa phương mạnh mẽ và bền vững.

leftcenterrightdel
 Chụp ảnh lưu niệm tại hội nghị

Nhóm Nghiên cứu mạnh VSV và ATTP