“Xanh hóa nền nông nghiệp không phải gánh nặng mà là cơ hội”, đó là phát biểu kết luận của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan trong Diễn đàn đối thoại chính sách cấp cao “Chuyển đổi sang Hệ thống lương thực, thực phẩm xanh, phát thải thấp” ngày 30 tháng 11 năm 2021.

Hai mươi năm đầu của thế kỷ 21 là giai đoạn mang tính bước ngoặt cho hệ thống lương thực thực phẩm nước ta. Không chỉ đảm bảo an ninh lương thực trong nước, Việt Nam đã trở thành quốc gia có đóng góp quan trọng vào an ninh lương thực toàn cầu thông qua hoạt động xuất khẩu gạo, hạt điều, hạt tiêu, cà phê, thủy sản, rau quả. Giá trị xuất khẩu trong những năm gần đây đạt được khoảng 40 tỷ USD/năm.

Sự tăng trưởng về năng suất và sản lượng nông nghiệp Việt Nam trong những thập niên qua cũng dẫn đến hệ lụy làm tài nguyên thiên nhiên suy giảm, quan ngại về chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm. Thị trường mới đòi hỏi sản phẩm nông nghiệp phải được sản xuất có trách nhiệm với người tiêu dùng, với sự bền vững của môi trường toàn cầu. Cần hướng tới những “giá trị xanh” được tạo nên từ “chuyển đổi xanh, tiêu dùng xanh, kinh tế xanh” kết hợp với công nghệ số để xây dựng các chuỗi giá trị nông sản bền vững, hướng tới truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm, chuẩn hóa quy cách và chất lượng, thương mại điện tử, dịch vụ tài chính, thu mua, phân phối, cung cấp thông tin và hỗ trợ kỹ thuật.

Ứng dụng công nghệ xanh trong sản xuất thực phẩm để đảm bảo an toàn cho sức khỏe con người và thân thiện với môi trường, hướng tới sự phát triển bền vững là xu hướng mới đang ngày càng thu hút sự quan tâm của các nhà khoa học trong và ngoài nước. Với mục đích tăng cường hợp tác, tạo diễn đàn cho các nhà khoa học trao đổi, giới thiệu các kết quả nghiên cứu cập nhật và kết nối với doanh nghiệp, đẩy mạnh thương mại hóa sản phẩm khoa học, được sự đồng ý của Ban giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, ngày 11/12/2021 nhóm nghiên cứu mạnh Bảo quản và chế biến sản phẩm có nguồn gốc thực vật phối hợp cùng với Khoa Công nghệ thực phẩm đã tổ chức Hội thảo quốc gia “Thực phẩm – Công nghệ xanh và phát triển bền vững”.

Tham dự Hội thảo, về phía Học viện Nông Nghiệp Việt Nam có thầy PGS.TS. Phạm Bảo Dương - Phó Giám đốc Học viện, PGS.TS. Nguyễn Hoàng Anh – Trưởng Khoa Công nghệ thực phẩm, PGS.TS. Trần Thị Lan Hương – Trưởng nhóm nghiên cứu mạnh Bảo quản và chế biến sản phẩm có nguồn gốc thực vật.

Về phía khách mời, có sự tham dự của PGS.TS. Phạm Anh Tuấn - Viện trưởng viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ Sau thu hoạch; PGS.TS. Vũ Nguyên Thành – Viện trưởng viện Công nghiệp thực phẩm; PGS.TS. Chu Kỳ Sơn - Viện trưởng viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm – Đại học Bách Khoa Hà Nội; PGS.TS. Vũ Thy Thư - Phó chủ tịch Hội Dinh dưỡng Việt Nam; TS. Lê Xuân Hảo - Tổng thư ký Hội Lương thực và Thực phẩm Việt Nam cùng với sự tham gia của 125 đại biểu đến từ 18 trường Đại học (trong đó có 3 trường ở nước ngoài), 10 viện, trung tâm nghiên cứu, Hiệp hội và 10 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thực phẩm.

Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, PGS.TS. Phạm Bảo Dương – Phó giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của sự phát triển bền vững ngành sản xuất thực phẩm, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 càng cho chúng ta nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng này, đồng thời khẳng định xu hướng tất yếu của sự phát triển nền nông nghiệp xanh, thực phẩm xanh, sạch trên toàn thế giới cũng như tại Việt Nam.

Sau bài phát biểu khai mạc là phần trình bày của các diễn giả với 14 bài tham luận, 15 video- poster và 10 poster chia thành 2 phiên chuyên đề: Phiên 1 - Giải pháp công nghệ để kiểm soát tổn thất nông sản sau thu hoạch; Phiên 2 - Công nghệ xanh – Xu hướng mới trong chế biến thực phẩm. Đây là những kết quả nghiên cứu mới của các nhà khoa học, các chuyên gia đầu ngành từ các trường đại học, viện nghiên cứu trong lĩnh vực công nghệ sau thu hoạch, công nghệ thực phẩm. Tiếp theo là phần thảo luận vô cùng sôi nổi, thẳng thắn giữa các thành viên tham dự Hội thảo, những câu hỏi và những câu trả lời đi thẳng vào vấn đề, trọng tâm trên tinh thần giao lưu khoa học cởi mở, chia sẻ kinh nghiệm thực tế, hợp tác để cùng phát triển.

Cuối cùng, phát biểu bế mạc và tổng kết tại Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Hoàng Anh đã thay mặt cho Ban tổ chức bày tỏ sự cảm ơn sâu sắc đến các Báo cáo viên, các doanh nghiệp và toàn thể các đại biểu đã tham dự, trình bày và đóng góp các ý kiến vô cùng quý báu để làm nên sự thành công của Hội thảo. PGS.TS. Nguyễn Hoàng Anh cũng mong rằng các nhà khoa học và các doanh nghiệp tiếp tục chủ động hợp tác chặt chẽ hơn nữa trong nghiên cứu, chuyển giao, chia sẻ kinh nghiệm thực tế để cùng chung tay xây dựng nền nông nghiệp - thực phẩm xanh cho đất nước và nhân dân. Thành công của Hội thảo cũng là món quà đầy ý nghĩa đánh dấu 20 năm trưởng thành và phát triển của Khoa Công nghệ thực phẩm và kỷ niệm 65 năm thành lập Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

Một số hình ảnh tại Hội thảo:

PGS. TS. Phạm Bảo Dương – Phó Giám đốc Học viện phát biểu khai mạc Hội thảo
Giảng viên, cán bộ khoa Công nghệ thực phẩm - VNUA tham gia Hội thảo
Các đại biểu, các nhà khoa học tham dự Hội thảo
TS. Bạch Thị Mai Hoa - Viện CNSH - Viện Hàn Lâm KH&CN VN trình bày tại Hội thảo
PGS. TS. Nguyễn Văn Minh - Đại học Nha Trang trình bày tại Hội thảo
 

Khoa Công nghệ thực phẩm