Hội chứng chuyển hóa - Metabolic syndrome là một nhóm các tình trạng xảy ra cùng nhau, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ và tiểu đường tuýp 2. Những tình trạng này bao gồm tăng huyết áp, lượng đường trong máu cao, mỡ cơ thể dư thừa quanh eo và nồng độ cholesterol hoặc triglyceride bất thường. Đến nay, hội chứng chuyển hóa được xác định là hội chứng mang tính toàn cầu vì chi phí chữa trị cao và số người mắc ngày càng tăng ngay cả trong trẻ em và thanh niên (Santana-Gálvez et al., 2017). Tính trung bình trên toàn thế giới, cứ 4 người trưởng thành thì có một người chịu ảnh hưởng bởi hội chứng chuyển hóa (Kershaw et al., 2017).

Piceatannol (trans-3, 4, 3 ', 5'-tetrahydroxystilbene) là một hợp chất polyphenol, thuộc nhóm stilben, được phân tách và nghiên cứu lần đầu tiên vào năm 1984. Stilben này được tìm thấy trong một số loài thực vật như cây đại hoàng, nho và rượu vang, một số loại quả mọng, lạc, mía, chanh leo và quả sim (Lai et al., 2013, Lee et al., 2009, Maruki-Uchida et al., 2013) (Hình 1) với hàm lượng khác nhau trong đó chanh leo và sim là hai thực vật có hàm lượng cao nhất. Sự tổng hợp piceatannol được tăng cường khi thực vật bị nấm mốc, vi khuẩn tấn công, tiếp xúc nhiều với tia cực tím hoặc đất trồng bị nhiễm kim loại nặng (Piotrowska et al., 2012). Piceatannol có cấu trúc gần với của resveratrol vốn là stilben đóng góp rất lớn vào các tính chất sinh học quý của rượu vang đỏ. Điều đáng chú ý là so với resveratrol, piceatannol có nhiều hơn một nhóm hydroxyl (Hình 2) do đó hoạt tính sinh học của nó cao hơn. Điều này đã được khẳng định trong nhiều nghiên cứu in vitro.

 

 

 

 

 

 

 

 

Sim

564 µg/g CT

Chanh leo

440 µg/g CT

Đại hoàng

66 µg/g CT

Nho

0.27-0.54 µg/g CT 

Hình 1. Một số nguyên liệu thực vật giàu piceatannol. CT: chất tươi.

 


 

 


 

Hình 2. Công thức cấu tạo của piceatannol (trái) và resveratrol (phải).

Về hoạt tính sinh học, các nghiên cứu in vitro cho thấy piceatannol có khả năng kháng oxi hóa, chống lão hóa, bảo vệ tim mạch, chống ung thư, chống viêm và chống béo phì (Kukreja et al., 2014). Bên cạnh đó, nhiều nghiên cứu in vitroin vivo gần đây chỉ ra tác dụng hạn chế quá trình tạo mỡ, tích lũy mỡ, hạ đường huyết máu, giảm quá trình oxi hóa và viêm của piceatannol (Kershaw and Kim, 2017). Cơ chế về tác động của piceatannol đối với các rối loạn chuyển hóa bước đầu đã được đề xuất (Hình 3) (Kershaw and Kim, 2017). Các kết quả này thúc đẩy nghiên cứu các nghiên cứu ứng dụng piceatanol trong sản xuất các thực phẩm có khả năng hạn chế các bệnh liên quan đến Hội chứng chuyển hóa.

 

 

Hình 3. Giả định cơ chế piceatannol cải thiện các rối loạn chuyển hóa (Kershaw and Kim, 2017).

 

Tài liệu tham khảo chính:

Santana-Gálvez J., Cisneros-Zevallos L., Jacobo-Velázquez D. A. (2017). Chlorogenic acid: Recent Advances on Its Dual Role as a Food Additive and a Nutraceutical against Metabolic Syndrome. Molecules, 22, 358, 21 pages.

Kershaw J. and Kim K.-H. (2017). The Therapeutic Potential of Piceatannol, a Natural Stilbene, in Metabolic Diseases: A Review. Journal of medicinal food, 20 (5), 427–438.

Lai T.N.H., Herent M.-F., Quetin-Leclercq J., Nguyen T.B.T., Rogez H., Larondelle, Y. and André C.M.  (2013) Piceatannol, a potent bioactive stilbene, as major phenolic component in Rhodomyrtus tomentosa. Food Chemistry 138, 1421-1430.

Lee Y.M., Lim D.Y., Cho H.J., Seon M.R., Kim J.-K., Lee B.-Y. and Park J.H.Y. (2009). Piceatannol, a natural stilbene from grapes, induces G1 cell cycle arrest in androgen-insensitive DU145 human prostate cancer cells via the inhibition of CDK activity. Cancer letters, 285, 166–73.

Maruki-Uchida H., Kurita I., Sugiyama K., Sai M., Maeda K. and Ito T. (2013). The protective effects of piceatannol from passion fruit (Passiflora edulis) seeds in UVB irradiated keratinocytes. Biological & Pharmaceutical Bulletin, 36, 845–849.

Piotrowska H., Kucinska M. and Murias M. (2012). Biological activity of piceatannol: Leaving the shadow of resveratrol. Mutation Research, 750, 60–82.

Kukreja A., Wadhwa N. and Tiwari A. (2014) Therapeutic role of resveratrol and piceatannol in disease prevention. Journal of blood disorders & transfusion 5: 240. doi:10.4172/2155-9864.1000240

Lại Thị Ngọc Hà- Bộ môn Hóa sinh – Công nghệ sinh học thực phẩm