Trong khuôn khổ Dự án ASEAN-MAFF HRD “Phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực thực phẩm thông qua hợp tác giữa Nhật Bản với các trường đại học khối ASEAN” do Bộ Nông – Lâm – Ngư Nhật Bản tài trợ thông qua sự điều phối của Ban thư ký ASEAN, Học viện Nông nghiệp Việt Nam được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam giao chủ trì tổ chức khóa tập huấn về Phân tích thực phẩm từ ngày 28/10/2024 đến ngày 01/11/2024. Để tạo điều kiện cho các học viên ở ngoài khu vực Hà Nội tham gia, khóa học được tổ chức theo hình thức đào tạo trực tiếp tại Học viện kết hợp online qua nền tảng Zoom.
Sáng ngày 28/10/2024, khóa tập huấn chính thức được khai mạc. Đại diện cho Ban tổ chức phía Nhật Bản có bà Yoshie Seike (Văn phòng Chính sách đánh giá sự phù hợp tiêu chuẩn, Ban Sản xuất thực phẩm, Bộ phận Kinh doanh mới và Công nghiệp thực phẩm, Ban thư ký Bộ trưởng, Bộ Nông, lâm, ngư nghiệp Nhật Bản; ông Takefumi Sonoda, Trợ lý điều phối viên và bà Maria Octorayanti, cán bộ cấp cao, dự án Phát triển nguồn nhân lực ASEAN MAFF, Ban thư ký ASEAN. Về phía Học viện Nông nghiệp Việt Nam có PGS. TS. Nguyễn Hoàng Anh, Trưởng Khoa Công nghệ Thực phẩm; PGS. TS. Nguyễn Thị Bích Thủy, điều phối viên dự án, một số giảng viên và cán bộ khoa Công nghệ thực phẩm cùng hơn 90 học viên tham gia học trực tiếp và trực tuyến.
Trong bài phát biểu khai mạc, bà Yoshie Seike đã gửi lời cảm ơn tới Ban tổ chức của Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Khoa Công nghệ thực phẩm đã tích cực phối hợp chuẩn bị để khóa học được tổ chức theo kế hoạch. Việc triển khai khóa tập huấn Phân tích thực phẩm là một trong số những hoạt động thuộc dự án hợp tác giữa Nhật Bản và các nước ASEAN để phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực thực phẩm. Trong khóa tập huấn lần này, phía Nhật Bản đã cử sang một số giảng viên từ Bộ Nông lâm, ngư nghiệp, cơ quan kiểm nghiệm và doanh nghiệp Nhật Bản để giảng dạy lý thuyết và thực hành. Sau một thời gian bị gián đoạn vì ảnh hưởng của dịch Covid, đây là khóa học Phân tích thực phẩm đầu tiên lại được tổ chức trực tiếp tại Học viện.
Tiếp nối chương trình, PGS.TS. Nguyễn Thị Bích Thủy, điều phối viên dự án đã giới thiệu tóm tắt các giai đoạn của dự án và những khóa học đã được tổ chức. Sau 2 khóa tập huấn Phân tích thực phẩm được thực hiện vào năm 2019 và 2022, năm 2024, khóa đào tạo thứ ba về Phân tích thực phẩm sẽ được tổ chức trong thời gian từ ngày 28/10/ - 1/11/2024. Khóa đào tạo được chia làm 02 phần: nội dung lý thuyết (ngày 28-30/10/2024) và thực hành (ngày 31/10-01/11/2024) với hơn 90 thành viên đăng ký là giảng viên từ các Trường Đại học, Viện nghiên cứu, Cơ quan quản lý nhà nước, Doanh nghiệp Việt Nam; cán bộ và sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Mục tiêu của khóa tập huấn này là phát triển nguồn nhân lực trong các lĩnh vực liên quan đến thực phẩm tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam (VNUA) và các bên liên quan để góp phần cải thiện hệ thống phát triển nguồn nhân lực về phân tích thực phẩm trong khu vực, phát triển môi trường phù hợp để cải thiện công nghệ phân tích thực phẩm thông qua xây dựng năng lực bằng đào tạo thực hành và giới thiệu thiết bị phù hợp cho các cơ quan liên quan đến nông nghiệp tại Việt Nam, bổ sung nguồn nhân lực để tăng cường an ninh lương thực, an ninh dinh dưỡng và hài hòa các quy định và tiêu chuẩn liên quan đến nông nghiệp và thực phẩm, tăng cơ hội kinh doanh thương mại trong và ngoài ASEAN. cũng như khả năng cạnh tranh lâu dài của các sản phẩm/hàng hóa/dịch vụ của ASEAN.
Ngay sau lễ khai mạc, khóa tập huấn đã chính thức được bắt đầu với những bài giảng cơ bản về tiêu chuẩn, chứng nhận và giới thiệu về hệ thống phân tích thực phẩm Nhật Bản. Đây là cơ hội quý báu cho các học viên để cập nhật, nâng cao kiến thức và kỹ năng về Phân tích thực phẩm.
Một số hình ảnh của lễ khai mạc khóa tập huấn Phân tích thực phẩm
|
|
Bà Yoshie Seike - Văn phòng Chính sách đánh giá sự phù hợp tiêu chuẩn, Bộ Nông, lâm, ngư nghiệp Nhật Bản phát biểu khai mạc |
|
|
PGS.TS. Nguyễn Thị Bích Thủy, điều phối viên dự án ASEAN-MAFF HRD phát biểu khai mạc |
|
|
Lớp tập huấn Phân tích thực phẩm 2024 tại VNUA |
|
|
Lớp tập huấn Phân tích thực phẩm 2024 tại VNUA |
|
|
Kết hợp giảng dạy trực tiếp và trực tuyến |
Khoa Công nghệ Thực phẩm