Trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình của Việt Nam khoảng 7,5%/năm, cùng với dân số dự kiến đạt 98 triệu người vào năm 2020, nhu cầu tiêu dùng của người Việt Nam đối với thực phẩm chế biến ngày càng lớn, đặc biệt là nhu cầu về các sản phẩm sạch được chế biến an toàn và tinh tế. Chính vì thế Công nghệ thực phẩm là ngành được xếp thứ hai trong ba nhóm ngành dẫn đầu về nhu cầu nhân lực giai đoạn 2015 - 2025, từng bước khẳng định vị thế của mình trong đời sống kinh tế xã hội của Việt Nam.

Công nghệ thực phẩm là ngành chuyên về lĩnh vực chế biến nông sản, thực phẩm; kiểm tra, đánh giá chất lượng nguyên liệu, bán thành phẩm và thành phẩm trong quá trình chế biến, bảo quản thực phẩm; nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, tạo nguyên liệu mới trong lĩnh vực thực phẩm, dược phẩm và hóa học.


Sinh viên theo học ngành Công nghệ thực phẩm được trang bị đầy đủ kiến thức giáo dục đại cương, kiến thức cơ sở ngành và kiến thức chuyên ngành để có khả năng làm chủ quy trình công nghệ chế biến và bảo quản các sản phẩm thực phẩm có nguồn gốc động vật và thực vật. Ngoài khối kiến thức cơ bản và chuyên ngành về công nghệ thực phẩm, sinh viên còn được chú trọng phát triển những kỹ năng cần thiết như: kỹ năng quản lý, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng giao tiếp…

Cơ hội việc làm cho cử nhân tốt nghiệp ngành công nghiệp thực phẩm:

Cử nhân Công nghệ thực phẩm có thể làm việc chuyên môn tại các doanh nghiệp sản xuất và chế biến thực phẩm (chế biến thịt, cá,  sữa, rau quả, chè, cà phê, đồ hộp...), giảng dạy tại các trường cao đẳng, đại học, thực hiện nghiên cứu tại các viện nghiên cứu liên quan đến lương thực thực phẩm, là cán bộ phụ trách kỹ thuật, quản lý có trình độ chuyên môn cao trong lĩnh vực chế biến, bảo quản, và nâng cao chất lượng thực phẩm thương mại trên thị trường nội địa và xuất khẩu hoặc có thể trở thành chuyên gia tư vấn dinh dưỡng cộng đồng tại các trung tâm dinh dưỡng và các trung tâm y tế, hoặc làm việc tại cơ quan quản lý nhà nước liên quan đến lĩnh vực thực phẩm.


Cử nhân Công nghệ thực phẩm có cơ hội theo học ở  bậc cao học (thạc sĩ và tiến sĩ) tại các trường đại học trong nước hoặc nước ngoài về các lĩnh vực như công nghệ thực phẩm, công nghệ sau thu hoạch, y sinh học, sinh học phân tử, dinh dưỡng cộng đồng….