Covid-19 là bệnh do virus gây ra, lây lan rất nhanh trong cộng đồng và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Những người khỏe mạnh, có sức đề kháng tốt sẽ ít bị lây nhiễm hơn và nếu có nhiễm virus thì biểu hiện bệnh cũng nhẹ hơn, nhanh hồi phục hơn những người có sức khỏe yếu, sức đề kháng kém.

Nâng cao sức đề kháng của bản thân chính là biện pháp bảo vệ sức khỏe hiệu quả nhất, đặc biệt là trong mùa dịch. Phòng dịch cho cá nhân cũng chính là phòng dịch cho cộng đồng.

Dinh dưỡng có vai trò quan trọng trong việc điều hòa hệ miễn dịch và sức đề kháng của cơ thể, giải pháp này giúp công tác phòng và điều trị bệnh hiệu quả hơn. Chế độ dinh dưỡng hợp lý là quan trọng nhất, ăn đa dạng thực phẩm giúp cơ thể khỏe mạnh, tăng cường miễn dịch chứ không có một loại thực phẩm riêng biệt nào có tác dụng phòng ngừa Covid-19.

Theo đó, thực hiện chế độ dinh dưỡng đầy đủ, khoa học, hợp lý và xây dựng lối sống lành mạnh, trong đó có tập luyện thể lực đều đặn sẽ tạo thành thói quen có lợi cho sức khỏe, giúp tăng sức đề kháng để có một sức khỏe tốt phòng, chống lại dịch bệnh.

leftcenterrightdel
Bộ Y tế khuyến cáo người dân áp dụng theo công thức dinh dưỡng 4-5-1 của Viện Dinh dưỡng Quốc gia. Cân bằng dinh dưỡng là chìa khóa để tăng cường sức đề kháng. 

Số 4 chính là chế độ ăn cân đối 4 yếu tố: Cân đối giữa 3 nhóm chất sinh năng lượng (carbohydrate, protein, lipid); cân đối về protein (giữa đạm động vật và thực vật); cân đối về lipid (giữa lipid động vật và lipid thực vật); cân đối về vitamin và khoáng chất.

Để đạt được sự cân đối giữa 3 nhóm chất sinh năng lượng thì lượng chất đạm (protein) phải đạt từ 13 - 20%; chất béo (lipid) từ 20 - 25% và tinh bột (carbohydrate) từ 55 - 65% trong bữa ăn hằng ngày.

Số 5 trong công thức này nghĩa là, để đảm bảo tính đa dạng của bữa ăn cần phải có ít nhất 5/8 nhóm thực phẩm. Các nhóm bao gồm:

Nhóm lương thực (gạo, mì) là thức ăn cơ bản và cũng là nguồn cung cấp năng lượng chủ yếu cho cơ thể.

Nhóm các loại hạt (đậu, đỗ, vừng, lạc,…) là nguồn cung cấp chất đạm thực vật cho cơ thể.

Nhóm sữa và các sản phẩm từ sữa là nguồn cung cấp chất đạm động vật và canxi quan trọng cho cơ thể.

Nhóm thịt các loại, cá, hải sản là nguồn cung cấp chất đạm động vật, đặc biệt các axít amin cần thiết mà cơ thể người không tự tổng hợp được.

Nhóm trứng và các sản phẩm của trứng là nguồn cung cấp chất đạm động vật và nhiều chất dinh dưỡng quý cho cơ thể.

Nhóm củ quả màu vàng, da cam, màu đỏ (cà rốt, bí ngô, gấc, cà chua) hoặc rau tươi có màu xanh thẫm là nguồn cung cấp vitamin và chất khoáng chủ yếu cho cơ thể. Loại rau càng xanh thẫm màu càng có giá trị dinh dưỡng với cơ thể. Lượng rau xanh, hoa quả chín tiêu thụ nên từ 400 – 600g/người/ngày.

Nhóm rau củ quả khác (su hào, củ cải...) cung cấp vitamin, chất khoáng và chất xơ.

Nhóm dầu ăn, mỡ các loại là nguồn cung cấp năng lượng và các axít béo cần thiết cho cơ thể.

Thêm vào đó, nên sử dụng các loại rau gia vị có kháng sinh tự nhiên và tác dụng phòng ngừa  dịch bệnh như hành, tỏi, sả, lá mơ, tía tô, kinh giới, hương nhu, gừng, bạc hà, rau thơm, rau húng,… Có thể dùng từ 2 -3 nhánh tỏi sống trong bữa ăn hoặc dùng khi chế biến thức ăn.

Cuối cùng, số 1 chính là một bữa ăn hoặc dinh dưỡng trong một ngày cần sự hài hòa giữa các nhóm chất và thực phẩm. Theo đó, công thức dinh dưỡng 4-5-1 cho thấy, trong mỗi bữa ăn phải đảm bảo tính đa dạng, cân đối không kiêng khem hoặc lạm dụng bất cứ thực phẩm nào.

Ngoài ra, nên chú ý việc lựa chọn thực phẩm an toàn kể cả tươi sống và thực phẩm công nghiệp. Trong đó, khi lựa chọn thực phẩm công nghiệp, cần chọn thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có công bố chất lượng đầy đủ. Người tiêu dùng nên đọc kỹ thông tin về giá trị dinh dưỡng của thực phẩm trên bao bì, thành phần nguyên liệu và hạn sử dụng. Thực phẩm phải có quy trình sản xuất minh bạch đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm đồng thời không nên tích trữ nhiều để luôn sử dụng được sản phẩm tươi mới.

Cần loại bỏ những thói quen xấu

Thói quen sinh hoạt như: thức khuya, ăn qua loa, bỏ bữa là những thói quen xấu, chúng ta nên thay đổi vì nó có những tác động xấu đến sức khoẻ. Tác động đầu tiên sẽ làm suy giảm hoạt động của hệ thống miễn dịch của cơ thể. Tác động xấu thứ hai là tăng nguy cơ của các bệnh lý rối loạn về dinh dưỡng. Với những người bị stress, sẽ làm hệ thống miễn dịch của cơ thể giảm đi rất nhiều. Do đó, chúng ta cần duy trì nếp sinh hoạt lành mạnh: ngủ đủ giấc, không lạm dụng rượu bia, không hút thuốc, tinh thần lạc quan.

Vận động thường xuyên tại nhà cũng giúp chúng ta phòng bệnh hiệu quả

Những người tập luyện thể dục thể thao đều đặn đều cảm thấy chức năng hô hấp được cải thiện, trao đổi khí qua phổi một cách tốt hơn. Ngoài ra, thể chất được cải thiện cũng giúp tinh thần phấn chấn, giảm thiểu những tác nhân gây stress, căng thẳng, nhất là trong những ngày dịch bệnh. Với người thường xuyên không hoạt động thể chất sẽ gây ra rất nhiều tác hại ảnh hưởng xấu đến sức khỏe như huyết áp cao, cholesterol cao và những rủi ro đáng quan tâm khác.

Bộ Y tế và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam đã hướng dẫn một số cách vận động để mọi người có thể tập luyện ở nhà trong mùa dịch như: leo cầu thang, tập các bài co duỗi chân tay, nhảy dây, tập các bài luyện cơ bắp và thăng bằng. Mọi người cũng có thể tham gia các lớp tập thể dục trực tuyến, tìm và tập theo các bài tập có hướng dẫn trên mạng, nhún nhảy theo nhạc hoặc thực hành các trò chơi vận động qua video; lựa chọn một số thiết bị tập đơn giản, dễ tập ở nhà và tự tập như các quả tạ đơn, tạ chuông, dây đàn hồi, tập gym. Trong trường hợp có người tập cùng thì cần đảm bảo người đó không có triệu chứng bệnh, không tiếp xúc với người bệnh hay người đi từ vùng dịch về. Giữ khoảng cách an toàn trên 2m để tránh lây nhiễm.

Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, mỗi người cần nâng cao ý thức, tuân thủ thông điệp 5K của Bộ Y tế, thông qua việc tập luyện và dinh dưỡng tốt, chúng ta có thể tăng sức đề kháng lên, giúp cơ thể khó mắc bệnh hơn, cũng như dễ hồi phục hơn trong trường hợp mắc bệnh. 

Các nguồn tài liệu tham khảo:

1.       http://viendinhduong.vn

2.       https://ncov.vnanet.vn

3.       https://suckhoedoisong.vn

4.       https://ncov.moh.gov.vn

5.       https://www.fao.org

6.       http://unicef.org

7.       https://tuoitre.vn

Hoàng Thị Minh Nguyệt

          Khoa Công nghệ thực phẩm