Vực dậy sau khi đánh bại “căn bệnh” trầm cảm của tuổi trẻ, nữ sinh Nguyễn Thị Thanh Huyền (2003) sau khi tốt nghiệp trường THPT chuyên Phan Bội Châu đã từ bỏ cơ hội được vào Đại học Bách Khoa để theo đuổi ước mơ tại ngôi trường yêu thích – Học viện Nông nghiệp Việt Nam và đã đạt được nhiều thành tích đáng nể trong học tập cũng như các hoạt động Đoàn.
Lớn lên tại mảnh đất có truyền thống hiếu học – Nghệ An và sinh ra từ một gia đình có bố mẹ làm công nhân, từ nhỏ Huyền đã chứng kiến cảnh bố mẹ lam lũ một nắng hai sương, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời nuôi con khôn lớn. Cũng như vốn được sinh ra ở vùng đất khắc nghiệt đầy nắng và gió này, nên tại nơi đây Huyền được giáo dưỡng trong một môi trường mà các bạn đồng trang lứa đều thi đua nhau phấn đấu trong học tập để có một tương lai tốt đẹp hơn. Nên trong thâm tâm mình, Huyền luôn luôn ấp ủ những khát vọng lớn làm giàu đẹp cho gia đình và quê hương.
Có lẽ chính vì vậy mà cô gái này mang một vẻ ngoài đầy cá tính, mạnh mẽ. Ngoài ra, nữ sinh được bạn bè xung quanh nhận xét là giàu tình cảm, có tính tự lập cao, thẳng thắn và khả năng điều phối tổ chức đội nhóm tốt.
Năm nhất, Huyền xuất sắc lọt vào top 10 trong số 20 sinh viên toàn khoá 66 được nhận học bổng toàn phần của Học viện với giá trị là 100% tiền học phí trong toàn khoá học đại học tại Học viện. GPA tích luỹ các kỳ cho đến năm 2 (hiện tại) đều trên 3.5 nên liên tiếp nhận được học bổng khuyến khích học tập loại Giỏi và Xuất sắc. Không chỉ có thành tích học tập tốt, nữ sinh còn là thành viên ban cán sự lớp từ những ngày đầu, tham gia các CLB học thuật của Khoa và Học viện, em cũng được bầu vào Ban chấp hành Liên chi đoàn Khoa Công nghệ thực phẩm. Ngoài ra, nhờ vào tài năng thiên phú về ca hát góp phần không nhỏ trong việc tích cực tham gia các hoạt động, phong trào văn hoá văn nghệ của Đoàn, hoạt động của khoa tổ chức, cũng như các CLB học thuật của khoa và Học viện. Mới đây, nữ sinh đã được Khoa Công nghệ thực phẩm khen thưởng “Đoàn viên có thành tích xuất sắc trong công tác Đoàn và phong trào văn hóa văn nghệ thanh niên năm 2022-2023”, em cũng đạt giải ba cuộc thi “Olympic tiếng anh Học viện”.
Khi được hỏi “Vì sao bạn lại chọn Học viện Nông nghiệp mà không phải Bách Khoa?”, Huyền không chần chừ đáp:
“Đối với cảm nhận cá nhân mình, cả 2 trường đều có truyền thống lịch sử cũng như thành tích đáng nể. Tuy nhiên, bản thân mình có quan niệm đơn giản rằng “ngành Công nghệ thực phẩm chân chính và tiên tiến một cách đúng nghĩa phải đi lên từ một nền nông nghiệp phát triển bền vững trước tiên”. Nên mình chọn Học viện như là một lẽ đương nhiên, vì ở đây có các chương trình đào tạo top đầu cả nước về các ngành liên quan đến nông nghiệp, cũng như chính vì thế mà mình sẽ có cơ hội dễ dàng để học hỏi, hợp tác với các bạn, thầy cô nghiên cứu và làm việc liên quan mật thiết đến các ngành nông nghiệp này. Và thêm nữa là tình yêu mình dành cho Học viện đã có từ trước, vì mình hay cùng bố xem các chương trình thời sự VTV có đưa những hình ảnh về các nghiên cứu mà Học viện đã đạt được từ rất lâu đến nay nữa. Cùng với các mục tiêu đã lên kế hoạch, mình không chần chừ mà đặt VNUA làm nguyện vọng 1 trong kỳ thi THPT Quốc gia”.
Những thành tựu này không tự nhiên mà đến. Đây là kết quả của một hành trình vươn lên, vượt qua chính mình với “căn bệnh” trầm cảm. Huyền chia sẻ:
“Những ai đã từng trải qua trầm cảm sẽ thấy rằng nó tai hại ra sao và khó khăn như thế nào. Bắt nguồn từ áp lực điểm số, bạo lực học đường, bị cô lập, bị bắt nạt, mình đã trải qua đủ cả qua những năm tháng cấp 2, cấp 3. Nó gặm nhấm tinh thần của bản thân từ ngày này qua ngày khác. Đó là chuỗi ngày tháng mình ngụp lặn trong những suy nghĩ tiêu cực, trong nước mắt, suy nhược thể chất và quan trọng nhất là mất đi ý chí vươn lên. Có một khoảng thời gian giữa năm lớp 11 thì thành tích học tập của mình sa sút hẳn, nỗi sợ phải đi học đeo bám, nó lại càng là lý do để các bạn xa lánh mình. Sự can thiệp giúp đỡ của thầy cô, gia đình khá là muộn vì bản thân mình trong những ngày tháng đầu còn không biết đến khái niệm trầm cảm là gì để mà giãi bày hay chia sẻ, nên chỉ biết giấu diếm.
Mình vượt qua được trầm cảm không phải một, hai ngày mà là chặng hành trình dài. Nhờ vào tình yêu thương của thầy cô, gia đình và những người bạn biết cảm thông, họ vực dậy được dần tinh thần của mình, họ có niềm tin vào tiềm năng của mình ngay cả khi mình đã mất đi niềm tin vào chính bản thân. Có những lúc họ mệt mỏi, nhưng vẫn không bỏ mặc mình, cho nên mình lại càng không bỏ cuộc trong hành trình tìm kiếm lại chính mình ở cuối những năm phổ thông. Mình chọn vứt bỏ đi “cái mác” là học sinh trường chuyên để quay lại với thực tế rằng bản thân cũng chỉ là một con người bình thường, thực sự đối diện với khó khăn, tìm mọi cách có thể để chữa lành tâm hồn. Điều đó mang đến cho mình kết quả ngày hôm nay. Hiện tại mình tự hào và hài lòng vì hành trình đã qua, và càng yêu thương, trân trọng những người bên cạnh hơn nữa.
Qua câu chuyện của Huyền, có lẽ sẽ là tấm gương truyền cảm hứng cho các bạn trẻ ngoài kia cũng đã hoặc đang gặp vấn đề như vậy không còn cảm thấy cô đơn, lạc lõng. Cô ấy đã vượt qua được khó khăn trong nhiều năm, chiến thắng chính mình để lột xác để trở thành một phiên bản mới, thì các bạn cũng sẽ làm được. Bên cạnh đó, mong rằng những người thân xung quanh những người bị trầm cảm không chủ quan, hãy thực sự kiên nhẫn, luôn cho họ cảm nhận được tình yêu thương, sự cảm thông, niềm tin vào bản thân. Để cho những tài năng ẩn dấu không bị chôn vùi, để cho những trái tim giữ mãi ngọn lửa nhiệt huyết.