1. Tìm hiểu ngành Quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm
* Quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm là một môn khoa học về việc xử lý, chế biến, bảo quản và lưu trữ thực phẩm bằng những phương pháp phòng ngừa, phòng chống bệnh tật do thực phẩm gây ra; một số thói quen, thao tác trong khâu chế biến cần được thực hiện để tránh các nguy cơ sức khỏe tiềm năng nghiêm trọng.
* Chương trình đào tạo ngành Quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm sẽ trang bị cho sinh viên những kiến thức thuộc khối cơ sở ngành như đánh giá cảm quan thực phẩm, hóa học thực phẩm, vi sinh vật học thực phẩm, phân tích hóa lý thực phẩm, hóa sinh học thực phẩm, phụ gia thực phẩm, máy thiết bị thực phẩm, phân tích vi sinh thực phẩm, phát triển sản phẩm… Các kiến thức chuyên ngành như công nghệ chế biến và kiểm soát chất lượng lương thực, công nghệ chế biến và kiểm soát chất lượng rau quả, công nghệ chế biến và kiểm soát chất lượng sữa, công nghệ chế biến và kiểm soát chất lượng dầu thực vật, dinh dưỡng, độc tố học thực vật, đánh giá rủi ro và quản lý an toàn thực phẩm, phòng vệ thực phẩm…
* Theo học ngành này, sinh viên còn được học những kỹ năng chuyên môn như: có khả năng thiết kế và tiến hành các thí nghiệm trong lĩnh vực; tính toán, phân tích và ứng dụng kết quả thí nghiệm vào thực tiễn để cải tiến các quá trình sản xuất thực phẩm; sử dụng ngoại ngữ trong giao tiếp, tìm kiếm và đọc các tài liệu liên quan, sử dụng tin học văn phòng; có sự hiểu biết về trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp; thiết lập các kế hoạch, dự án khoa học kỹ thuật, điều hành và quản lý kỹ thuật cho các cơ sở sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm.
2. Cơ hội việc làm ngành Quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm
Sau khi ra trường, sinh viên ngành Quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm có thể làm việc ở các vị trí QA (nhân viên đảm bảo chất lượng trong các nhà máy, doanh nghiệp sản xuất), QC (nhân viên kiểm soát chất lượng trong các nhà máy, doanh nghiệp sản xuất), R&D, phòng phân tích, điều hành sản xuất, kế hoạch vật tư… tại các công ty thực phẩm. Cụ thể sinh viên có cơ hội làm việc tại các vị trí sau:
* Chuyên viên kiểm soát và đảm bảo chất lượng nguyên liệu vào, vận hành thiết bị sản xuất, quản lý sản xuất, kiểm tra, giám sát và phân tích chất lượng sản phẩm, nghiên cứu và phát triển sản phẩm… tại các nhà máy chế biến thực phẩm.
* Chuyên viên dinh dưỡng tại khoa dinh dưỡng, chuyên viên xét nghiệm chỉ tiêu hóa sinh, vi sinh tại khoa xét nghiệm… tại các bệnh viện.
* Chuyên viên kiểm soát và đảm bảo chất lượng nguyên liệu chế biến, kiểm soát và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong chế biến, xây dựng khẩu phần dinh dưỡng… tại các bếp ăn công nghiệp của tất cả các nhà máy.
* Chuyên viên phụ trách nghiên cứu, chuyển giao, phát triển sản phẩm thực phẩm, xây dựng và giám sát các hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm nông nghiệp tại các Sở Công thương, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn…
* Chuyên viên phân tích và đánh giá chất lượng sản phẩm thực phẩm tại các chi cục vệ sinh và an toàn thực phẩm, chi cục thú y, cục dự trữ lương thực thực phẩm…
* Nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, kỹ thuật viên phân tích chỉ tiêu chất lượng, xây dựng hệ thống quản lý chất lượng thực phẩm HACCP, ISO, GMP, VietGAP, GLOBALGAP… tại các trung tâm, viện nghiên cứu.
* Trở thành giảng viên giảng dạy về lĩnh vực chế biến thực phẩm, quản lý chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm tại trường trung cấp, cao đẳng, đại học.
* Chuyên viên kiểm soát và đảm bảo chất lượng vật tư, hóa chất, chuyên gia tư vấn thiết bị và hóa chất thuộc lĩnh vực sản xuất và kiểm soát chất lượng thực phẩm tại các công ty hóa chất, thiết bị.
* Chuyên viên đánh giá các công ty thực phẩm trực thuộc sự quản lí của Sở Công thương, sở NN&PTNT, chi cục vệ sinh an toàn thực phẩm.
* Chuyên viên quản lý chất lượng và an toàn tại các công ty suất ăn công nghiệp; các hệ thống nhà hàng, resort.
* Vị trí đánh giá nhà cung ứng, quản lý ngành hàng thực phẩm tại các hệ thống siêu thị.
3. Những tố chất cần phù hợp với ngành Quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm
Để có thể học tốt hoặc đi sâu vào nghiên cứu trong ngành Quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm bạn cần sở hữu những tố chất sau đây:
* Quan tâm đến lĩnh vực thực phẩm, dịch vụ ăn uống.
* Cẩn thận, tỉ mỉ, trách nhiệm cao trong công việc.
* Có niềm đam mê khoa học và công nghệ, thích nghiên cứu, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ thực phẩm.
* Học khá các môn tự nhiên, nhất là Sinh học, Hóa học và Vật lý; những kiến thức của các môn này sẽ là nền tảng tốt để bạn tiếp thu các kiến thức chuyên sâu của ngành Đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm.
* Có tư duy logic, sáng tạo, nhạy bén trong việc nắm bắt tâm lý, sở thích, nhu cầu của người khác là những tố chất quan trọng để bạn gắn bó lâu dài với ngành thực phẩm.
* Các kỹ năng ngoại ngữ, kỹ năng tin học và các kỹ năng mềm khác như: giao tiếp, làm việc nhóm, quản lý thời gian hiệu quả...
Hy vọng những thông tin trong bài viết sẽ giúp bạn hiểu thêm về ngành Quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm, từ đó có định hướng nghề nghiệp phù hợp trong tương lai.
Tham khảo https://tuyensinhso.vn/