1. Sự cần thiết và hấp dẫn của ngành
Quản lý chất lượng an toàn nông sản, thực phẩm là vấn đề quan trọng được đặt ra đối với mỗi quốc gia, có ý nghĩa to lớn về kinh tế, xã hội, sức khỏe cộng đồng, bảo vệ môi trường, thương mại quốc tế. Đây là vấn đề đang được Đảng, Nhà nước và toàn xã hội đặc biệt quan tâm và có chiến lược cụ thể để tăng cường quản lý, kiểm soát có hiệu quả. Một trong những chiến lược đó là phát triển nguồn nhân lực trình độ cao trong lĩnh vực này hiện đang được đánh giá thiếu và yếu.
Chuyên ngành Quản lý chất lượng và An toàn thực phẩm tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam được xây dựng theo cách tiếp cận chuỗi nhằm đào tạo cho sinh viên có hiểu biết sâu và ứng dụng được các biện pháp, phương thức để hình thành, quản lý, kiểm soát chuỗi thực phẩm an toàn.
Chủ đề chuyên sâu tập trung bao gồm: Kiểm soát chất lượng trong công nghệ sau thu hoạch, trong công nghệ chế biến; Thiết kế các hệ thống quản lý chất lượng và an toàn dựa trên phân tích rủi ro để đáp ứng các yêu cầu của luật pháp quốc gia và quốc tế; Quản lý an toàn thực phẩm và chất lượng trong chuỗi cung ứng cũng như các cơ sở chế biến thức ăn sẵn, trong các khách sạn và nhà hàng.
|
|
Tóm lược thông tin chuyên ngành Quản lý chất lượng và An toàn thực phẩm |
Trong quá trình học, người học được trang bị các kiến thức về lý thuyết, kỹ năng thực hành, thực tập và kỹ năng mềm khác. Số giờ thực hành, thực tập nghề nghiệp tại các cơ sở và thực tập tốt nghiệp chiếm tới gần 50% tổng thời lượng học tập toàn chương trình, điều này giúp sinh viên tiếp cận nhanh hơn với thực tế ngay sau khi ra trường.
2. Thực hiện đào tạo, hợp tác trong và ngoài nước về QLCL - ATTP tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam trong thời kỳ dịch Covid 19
Từ đầu năm 2020, thời điểm dịch Covid 19 bùng phát, thách thức được đặt cho tất cả các ngành và không loại trừ ngành QLCL - ATTP.
Làm thế nào để vừa thực hiện tốt công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm, vừa đảm bảo an toàn sức khỏe cho người sản xuất, người học, người dạy, người làm công tác quản lý trong lĩnh vực này, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã và đang kết hợp với các đối tác trong, ngoài nước xây dựng các chương trình tập huấn ngắn hạn, dài hạn, giảng dạy trực tiếp cũng như trực tuyến cho giảng viên, đại diện các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, người học nhằm cập nhật kiến thức cũng như các biện pháp ứng phó, xử lý tình huống phát sinh trong vấn đề đảm bảo chất lượng trong chế biến, bảo quản nông sản, thực phẩm.
|
|
Khóa tập huấn “Quản lý an toàn thực phẩm” tổ chức từ 25-27/02/2020 tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam, giảng dạy bởi các chuyên gia Nhật Bản. |
Giải pháp công nghệ thông tin đã được hướng dẫn để người học vận dụng một cách linh hoạt trong việc học tập. Các nhóm liên kết đã được hình thành theo chủ đề về an toàn thực phẩm, hệ thống quản lý chất lượng, doanh nghiệp khởi nghiệp…trong đó có đông đảo thành viên tham gia là các chuyên gia, giảng viên, nhân viên từ các doanh nghiệp khác nhau, sinh viên, học viên. Sự tương tác, chia sẻ kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm, cơ hội việc làm tạo nên một “sân chơi kiến thức” bổ ích và hiệu quả.
|
|
Mời chuyên gia Tập huấn chuyên đề: "Các Hệ thống quản lý chất lượng (QMS) - An toàn thực phẩm (FSMS) - Xây dựng chuẩn năng lực nhân sự (KPI) được áp dụng cho các tổ chức” tháng 12/2020 tại Học viện NNVN |
|
|
Minh chứng về nhóm Quản lý chất lượng với gần 1000 thành viên. |
Các doanh nghiệp thực phẩm luôn tạo điều kiện tiếp nhận sinh viên của Học viện đến thực tập nghề nghiệp với thời lượng 13 tín chỉ. Các doanh nghiệp đều có các biện pháp phòng chống dịch nghiêm ngặt, có hướng dẫn và giám sát kỹ các nguyên tắc phòng chống dịch đối với người học. Nhiều đơn vị tạo điều kiện về chỗ ăn, chỗ ở ngay tại nhà máy, công ty, có hỗ trợ lương giúp sinh viên giảm bớt thời gian đi lại, đảm bảo sức khỏe, có thêm thu nhập, yên tâm học tập.
3. Cơ hội việc làm phong phú và đa dạng
Người học sau khi tốt nghiệp cử nhân chuyên ngành Quản lí chất lượng và An toàn thực phẩm thuộc ngành Công nghệ thực phẩm có thể công tác tại các vị trí sau:
* Chuyên viên, trong bộ phận kiểm tra, giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm tại các trung tâm, phòng, sở… trực thuộc Bộ Y tế;
* Chuyên viên, Quản lý tại các phòng kiểm soát chất lượng (QC: Quality control), đảm bảo chất lượng (QA: Quality assurance); tổ trưởng, quản lí và chỉ đạo sản xuất… trong các doanh nghiệp chế biến và kinh doanh thực phẩm, doanh ngiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi;
* Nghiên cứu viên trong các viện nghiên cứu về công nghiệp thực phẩm, kiểm nghiệm thực phẩm, dinh dưỡng…;
* Kỹ thuật viên, nghiên cứu viên, giảng viên trong các Trường, Học viện có đào tạo ngành công nghệ thực phẩm, công nghệ sau thu hoạch, Công nghệ chế biến thủy hải sản;
* Cán bộ cho các tổ chức phi chính phủ, tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài trong lĩnh vực trên;
* Tự tổ chức sản xuất, kinh doanh, kiểm soát chất lượng nông sản, thực phẩm, phụ gia thực phẩm…
Bộ môn QLCL và ATTP