Theo báo cáo của Liên hiệp quốc, con người đã tạo ra 8,3 tỉ tấn nhựa trong đó 6,3 tỉ là rác và mỗi năm, khoảng 8 triệu tấn nhựa bị đổ xuống đại dương, nơi nuôi sống chúng ta. Dự báo đến năm 2050, lượng rác thải nhựa sẽ nhiều hơn cá trong đại dương. Số liệu trên được nhóm các nhà nghiên cứu thuộc tổ chức Bảo vệ đại dương và trung tâm McKinsey về Kinh doanh và Môi trường công bố. Họ đã chỉ ra Việt Nam chỉ đứng sau Trung Quốc, Indonesia và Philippines về số lượng rác thải nhựa gây ô nhiễm môi trường biển. 5 nước đứng đầu gồm cả Thái Lan đã đổ ra đại dương khoảng 60% đến 65% lượng rác thải nhựa. Vì vậy, rác thải nhựa đang trở thành mối nguy hại to lớn, mối đe dọa hàng đầu của trái đất và nhân loại.
Các nhà khoa học thuộc trường Đại học Y khoa Vienna (Áo) vừa công bố một phát hiện cho thấy, có 9 loại vi hạt nhựa khác nhau được tìm thấy trong mẫu phân của các tình nguyện viên tới từ nhiều nước. Điều này cho thấy con người đang nuốt phải các loại vi hạt nhựa cùng với thức ăn mỗi ngày. Phát hiện này làm tăng thêm mối lo về thói quen sử dụng đồ nhựa dùng 1 lần để đựng thức ăn như túi bóng, ống hút, thìa cốc đĩa nhựa, chai nhựa, hộp xốp tại Việt Nam.
Rác thải nhựa không chỉ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, mà còn gây tổn thất lớn về kinh tế cũng như sức khỏe con người. Do nhựa có chứa các hóa chất độc hại như phthalates, chất chống cháy và bisphenol-A (BPA, khi rác thải nhựa đổ ra biển, dưới tác động của nước biển, tia cực tím, rác nhựa sẽ phân rã thành những mảnh vi nhựa có kích thước từ 1 - 5 mm (microplastics). Khi đó thì nhiều chất độc được sản sinh thêm trong đó 40% các chất có chứa thuốc trừ sâu như DDT, 50% các chất có chứa PCBs (đã bị quốc hội Hoa Kì cấm từ năm 1979 do có nhiều tác dụng như chất độc thần kinh), 80% các chất có chứa PAHs (có nguy cơ cao gây ung thư).
Các loài sinh vật sống ở biển bị nhiễm độc từ nhựa trôi nổi trong đại dương. Khi động vật biển nuốt vào các mảnh vi nhựa, chất độc sẽ di chuyển vào cơ thể của chúng, tích tụ qua các tầng thức ăn khi cá lớn ăn cá nhỏ và cuối cùng có mặt trên đĩa thức ăn của con người. Nếu bạn ăn cá thường xuyên mỗi bữa ăn, mỗi năm bạn sẽ tiếp nhận 11.500 hạt vi nhựa (hình 1). Còn nếu bạn thích ăn nghêu, hàu, thì mỗi con chứa tối thiểu 8 hạt vi nhựa trong phần thịt có thể nhìn thấy bằng mắt thường (hình 2). Không những vậy, người ta còn tìm thấy vi nhựa trong nhiều thực phẩm khác như muối biển, nước mưa và mật ong...
Theo báo cáo của Liên hợp quốc, hạt vi nhựa đã được tìm thấy trong nước máy và thực phẩm của con người trên khắp thế giới. Báo cáo cũng cho biết hiện có hơn 600 loài sống ở biển bị ảnh hưởng bởi rác thải nhựa. 15% các loài bị vướng hay nuốt phải rác thải nhựa có nguy cơ tuyệt chủng. Điều đáng báo động là đến năm 2050, 99% các loài sẽ bị ảnh hưởng bởi rác thải nhựa. Con người quăng rác thải nhựa xuống những dòng sông, xuống đại dương mênh mông với suy nghĩ làm sạch môi trường sống của bản thân khỏi rác thải nhựa nhưng cuối cùng, rác nhựa quay lại trong hình hài khác nguy hiểm hơn cho chính chúng ta, và con cháu chúng ta.
Hình 1: Hạt nhựa trong bụng cá Hình 2: Hạt nhựa trong cơ thể con hàu
Chúng ta đang để lại gì cho thế hệ mai sau???
Sự thay đổi trong nhận thức và hành động của nhiều người sẽ không thể có được ngay lập tức, nhưng họ có thể thay đổi hành vi của mình ngay từ bây giờ. Hãy nói không với túi bóng, sản phẩm nhựa dùng 1 lần, nói không với các thương hiệu cà phê, trà sữa, nhà hàng, hàng tiêu dùng, nước ngọt… dùng sản phẩm nhựa 1 lần. Hãy mang theo túi, hộp, ống hút riêng của mình, không vứt rác bừa bãi, phân loại rác trước khi bỏ… Hãy cùng hành động vì cuộc sống của chính chúng ta.
Nguồn:
1. GESAMP (2015). “Sources, fate and effects of microplastics in the marine environment: a global assessment” (Kershaw, P.J., ed.). (IMO/FAO/UNESCO-IOC/UNIDO/WMO/IAEA/UN/UNEP/UNDP Join Group of Experts on the Scientific Aspects of Marine Environmental Protection). Rep. Stud. GESAMP No. 90, 96p.
2. Ocean Conservancy and McKinsey Center for Business and Environment (2015). Stemming the Tide: Land-based strategies for a plastic-free ocean. McKinsey & Company and Ocean Conservation.
3. United Nations Environment Programme (2014). “Plastic debris in the ocean,” Chapter 8 of UNEP Year Book 2014: Emerging issues in our
global environment
4. UNEP Frontiers 2016 report (2016). Microplastics: Trouble in the Food Chain, page 32 – 43