Ngày 01 tháng 11 năm 2021, Khoa Công nghệ thực phẩm đã tổ chức thành công seminar khoa học tháng 10 với các chuyên đề sau:

Chuyên đề 1: Truy xuất nguồn gốc nông sản việt nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế - TS. Vũ Thị Kim Oanh  - Bộ môn Công nghệ sau thu hoạch trình bày.

Chuyên đề 2: Betalain trong củ dền đỏ: Tách chiết, chế biến và những lợi ích tiềm năng cho sức khỏe - ThS. Lê Mỹ Hạnh  - Bộ môn Thực phẩm dinh dưỡng trình bày.

Tham dự seminar có cán bộ, giảng viên và sinh viên trong khoa Công nghệ thực phẩm

leftcenterrightdel
 Bài trình bày của TS. Vũ Thị Kim Oanh - Bộ môn Công nghệ sau thu hoạch

Mở đầu chương trình seminar, TS. Vũ Thị Kim Oanh đã chia sẻ chủ đề: Truy xuất nguồn gốc nông sản việt nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Việt Nam đã thành công trong việc tăng kim ngạch xuất khẩu thực phẩm và nông sản ra nhiều nước trên thế giới và trở thành một trong những nhà cung cấp thực phẩm và nông sản trên toàn cầu. Tuy nhiên, thực tế các thực phẩm và nông sản Việt Nam chưa có khả năng cạnh tranh cao ở những thị trường khó tính, bị từ chối gia nhập thị trường, bị định giá thấp và chưa được biết đến rộng rãi. Một trong những nguyên nhân của vấn đề trên đó là sự thiếu an toàn thực phẩm nông sản, nguồn gốc sản phẩm không rõ ràng. Do đó, áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết trong bối cảnh hội nhập đặc biệt là các hiệp định thương mại FTA thế hệ mới đi vào hiệu lực.

leftcenterrightdel
Bài trình bày của ThS. Lê Mỹ Hạnh  - bộ môn Thực phẩm dinh dưỡng 

Tiếp nối chương trình Seminar là bài trình bày của ThS. Lê Mỹ Hạnh với chuyên đề “Betalain trong củ dền đỏ: Tách chiết, chế biến và những lợi ích tiềm năng cho sức khỏe”. Trong những năm gần đây, củ dền đỏ đã nhận được nhiều sự quan tâm bởi những hợp chất có hoạt tính sinh học trong nó, đặc biệt là betalain. Betalain trong củ dền đỏ có tiềm năng lớn như 1 thành phần trong thực phẩm chức năng ứng dụng trong ngành công nghệ thực phẩm và y tế  do những tác động đa dạng trong đẩy mạnh sức khỏe. Betalain trong củ dền đỏ là những sắc tố tự nhiên, gồm có những hợp chất betaxanthins màu vàng-cam, và betacyanins màu đỏ-tím. Tuy nhiên betalain khá nhạy cảm bởi nhiệt, pH, ánh sáng và oxy, dẫn tới đặc tính ổn định kém trong quá trình chế biến và bảo quản. Những phương pháp tách chiết và chế biến hiệu quả betalain từ củ dền đỏ được nghiên cứu khá nhiều từ các nhà khoa học. Đó là các phương pháp tách chiết truyền thống sử dụng methanol và ethanol có gia nhiệt hoặc không tồn tại những nhược điểm nhất định như thời gian chiết xuất dài, sự nhiễm bẩn dung môi… Do đó, các phương pháp chiết xuất hiện đại như: đông lạnh, chiết xuất 2 pha trong nước, chiếu xạ gamma, điện trường xung, chiết xuất có hỗ trợ siêu âm, chiết xuất có hỗ trợ vi sóng và công nghệ màng được nghiên cứu và phát triển. Các phương pháp này thân thiện với môi trường, giảm thời gian chiết xuất, nước thải sau xử lý và tiêu thụ năng lượng, dung môi. Betalain được ứng dụng trong các sản phẩm thực phẩm đa dạng như: sữa chua, kem, bánh, mỳ, thịt, cá, xúc xích và đồ uống. Nhóm chất này thể hiện các hoạt động chống ung thư, kháng virus, chống viêm và chống oxy hóa hiệu quả. Do vậy, betalain và chế độ ăn giàu betalain có thể được sử dụng để điều trị tiềm năng các bệnh khác nhau, chẳng hạn như bệnh tim mạch, hen suyễn, ung thư, viêm khớp, viêm ruột và tiểu đường.

Các bài tham luận đã mang tới cho người nghe nhiều kiến thức mới, hữu ích, và chuyên sâu về công nghệ sinh học, công nghệ sau thu hoạch và công nghệ chế biến của các giảng viên Khoa Công nghệ thực phẩm. Kết quả của nghiên cứu không chỉ ứng dụng trong lĩnh vực giảng dạy, học tập mà còn trong nghiên cứu khoa học cho giảng viên, nghiên cứu viên, và sinh viên trong cùng lĩnh vực.

Chương trình Seminar đã giúp cho các nhà khoa học, cán bộ, giảng viên và sinh viên trong Khoa hiểu rõ hơn một số hướng nghiên cứu mà đồng nghiệp của mình đang theo đuổi đồng thời cũng góp ý để các nghiên cứu hoàn thiện hơn.

                          ----  Đỗ Thị Hồng Hải -  Trợ lý Khoa học tổng hợp----