Ngày 28 tháng 03 năm 2022, Khoa Công nghệ thực phẩm đã tổ chức thành công seminar khoa học tháng 03 với các chuyên đề sau:

Chuyên đề 1: “Công nghệ sấy lạnh và bảo quản quả hồng giòn" do TS. Đinh Thị Hiền - Bộ môn Công nghệ chế biến trình bày.

Chuyên đề 2: “Hàm lượng lutein trong một số loại rau và hoa” do TS. Hoàng Hải Hà  - bộ môn HS-CNSHTP trình bày.

Seminar đã có gần 70 cán bộ, giảng viên và sinh viên trong khoa Công nghệ thực phẩm tham dự.

leftcenterrightdel
Bài trình bày của TS. Đinh Thị Hiền 

Mở đầu chương trình seminar, TS. Đinh Thị Hiền đã trình bày nguồn gốc quả hồng giòn được bắt nguồn từ Trung Quốc, Nhất Bản, Hàn Quốc…Đặc điểm của quả hồng trên thế giới. Phân loại và ứng dụng các giống hồng. Thành phần dinh dưỡng quả hồng. Vai trò và công dụng của quả hồng đối với sức khỏe con người. Thu hoạch quả hồng , phân loại, Phương pháp khử chát và làm chín quả hồng: ngâm nước vôi, phun cồn, sưởi ấm và giảm oxy, sử dụng các chế phẩm, xử lý bằng đất đèn… Sấy lạnh kết hợp với năng lượng mặt trời quả hồng. Sấy nóng quả hồng. Vi sinh vật trong quả hồng sau khi sấy. Phương pháp bảo quản quả hồng sấy dẻo.

leftcenterrightdel
 Bài trình bày của TS. Hoàng Hải Hà

Tiếp theo chương trình là bài trình bày của TS. Hoàng Hải Hà về hàm lượng lutein trong một số loại rau và hoa. Thành phần các hợp chất trong nhóm carotenoids gồm nhiều hợp chất khác nhau như lycopene, beta-carotene, alpha-carotene, lutein, zeaxanthin và nhiều hợp chất khác. Nhóm sắc tố này có giá trị sinh học cao như khả năng kháng oxy hóa (Chang-Lian Peng et al., 2006), kháng viêm (John, 2014); có khả năng ngăn ngừa ung thư ruột kết, ung thư vú, tiểu đường loại 2 và bệnh tim. (Keyvan Koushan, Raluca Rusovici, Wenhua Li et al, 2013). Đặc biệt, lutein hoạt động như một chất chống oxy hóa bởi khả năng vô hiệu hóa các gốc tự do được hình thành bởi tác động của tia cực tím trên võng mạc mắt (Calvo, 2005) do đó lutein thể hiện vai trò quan trọng đối với sự phát triển thị giác, duy trì các mô mắt cũng như bảo vệ chống thoái hóa điểm vàng, (Johnson, 2014). Nhu cầu về lutein của cơ thể con người với mức trung bình 10 mg/người/ngày (Bộ Nông nghiệp Mỹ-USDA), nhưng cơ thể cơ người không tự tổng hợp được lutein do đó cơ thể con người cần được cung cấp lutein thông qua các nguồn thức ăn chứa lutein như trái cây, rau và thực phẩm bổ sung (Calvo, 2005). Hàm lượng lutein trong thực vật phụ thuộc vào giống, điều kiện trồng trọt, giai đoạn sinh trưởng …. (Humphries & Khachik 2003). Đánh giá hàm lượng lutein theo tiêu chuẩn Nhật Bản (JAS008) trong một số loại rau trồng tại Hà Nội cho thấy, rau chân vịt (Spinacia oleracea) trồng bằng phương pháp thủy khí canh có hàm lượng lutein 16.5 mg/100g sau 45 ngày trồng; rau mồng tơi (Basella alba) có hàm lượng lutein đạt 11.3mg/100g; rau muống (Ipomoea aqua tica) đạt 15.5mg/100g; cải xoăn (Brassica oleracea) đạt 34.4mg/100g. rau sam (Portulaca oleracea) đạt 34mg/100g; Dền cơm (Amaranthus viridis) đạt 24-25mg/100g.

Chương trình Seminar đã giúp cho các nhà khoa học, cán bộ, giảng viên và sinh viên trong Khoa hiểu rõ hơn một số hướng nghiên cứu mà đồng nghiệp của mình đang theo đuổi đồng thời cũng góp ý để các nghiên cứu hoàn thiện hơn.

                          ----  Đỗ Thị Hồng Hải -  Trợ lý Khoa học tổng hợp----