Ngày 28 tháng 04 năm 2022, Khoa Công nghệ thực phẩm đã tổ chức thành công seminar khoa học tháng 02 với các chuyên đề sau:
1 - Chuyên đề 1: Hệ thống thực phẩm Miền Bắc: Thực trạng, thách thức, cơ hội, và giải pháp để phát triển bền vững - do PGS.TS. Trần Thị Định – bộ môn Công nghệ chế biến trình bầy.
2 - Chuyên đề 2: Một số vấn đề về vi hạt nhựa - do TS. Hoàng Thị Minh Nguyệt - bộ môn Công nghệ sau thu hoạch trình bầy.
Seminar đã có gần 70 cán bộ, giảng viên và sinh viên trong khoa Công nghệ thực phẩm tham dự.
|
|
Bài trình bày của PGS.TS. Trần Thị Định – bộ môn Công nghệ chế biến |
Mở đầu chương trình seminar, PGS. Trần Thị Định đã chia sẻ chủ đề: “Hệ thống thực phẩm Miền Bắc: Thực trạng, thách thức, cơ hội, và giải pháp để phát triển bền vững” Trong bài tham luận, đã cung cấp các thông tin tổng quan về hệ thống thực phẩm miền Bắc gồm (i) các yếu tố liên quan đến môi trường, điều kiện tự nhiên, đổi mới công nghệ và hạ tầng, kinh tế-chính trị, văn hóa-xã hội, và nhân khẩu học, (ii) vận hành của chuỗi cung ứng thực phẩm xuyên suốt từ sản xuất (“đồng ruộng”) đến tiêu thụ (“bàn ăn”), và (iii) tác động của những hoạt động này đến thực phẩm, môi trường, và kinh tế-xã hội. Sau những thông tin về thực trạng hệ thống thực phẩm miền Bắc, những thách thức về vận hành chuỗi giá trị, môi trường thực phẩm, hành vi người tiêu dùng và chế độ ăn, và cơ hội cho hệ thống liên quan đến tiếp cận thực phẩm dinh dưỡng, an toàn và tiêu dùng bền vững, sản xuất bền vững và thích ứng với tổn thương, sức ép, và phát triển sinh kế và phân chia giá trị được phân tích chi tiết. Từ những vấn đề trên PGS. Trần Thị Định đã đề xuất các nhóm giải pháp để phát triển hệ thống thực phẩm miền Bắc đến năm 2030 theo hướng bền vững, có trách nhiệm, minh bạch và có khả năng phục hồi.
Bài tham luận đã mang tới cho người nghe bức tranh tổng quát với nhiều kiến thức mới, hữu ích về hệ thống lương thực, thực phẩm của Miền Bắc
|
|
Bài trình bày của TS. Hoàng Thị Minh Nguyệt - bộ môn Công nghệ sau thu hoạch |
Tiếp nối chương trình Seminar là bài trình bày của TS. Hoàng Thị Minh Nguyệt với chuyên đề “Một số vấn đề về vi hạt nhựa”. Theo báo cáo của IPSOS “Nhận thức của xã hội về các mối lo môi trường hiện nay”, khảo sát hơn 20.000 người trong độ tuổi 16-64 thuộc 28 quốc gia từ 23/3/2019 đến 18/4/2019, trong 16 mối lo về môi trường thì mối lo “Lạm dụng sử dụng bao bì hàng hóa tiêu dùng” xếp thứ 13, trong khi các mối lo khác nhận được sự quan tâm nhiều hơn thì nguyên nhân cũng đều bắt đầu bởi thói quen sử dụng bao bì từ nhựa. Rác thải nhựa được chia thành hai nhóm: nhựa có kích thước lớn (macroplastic >5mm), và vi hạt nhựa (microplastic<5mm). Vi hạt nhựa tồn tại trong rất nhiều sản phẩm ăn, uống hàng ngày như: muối ăn, nước đóng chai, bia, mật ong, trà túi lọc, hải sản nhuyễn thể…; trong các sản phẩm chăm sóc vệ sinh cá nhân: sữa rửa mặt, sữa tắm, kem đánh răng, tẩy da chết…; dưới đáy biển, trong nước mưa, trong không khí. Ô nhiễm nhựa ảnh hưởng tới ít nhất 700 loài sinh vật biển, ít nhất 180 loài động vật biển đã ăn nhựa, từ loài sinh vật bé nhỏ cho đến cá voi to lớn, 100 triệu động vật có vú ở biển chết mỗi năm. Vi hạt nhựa đi từ các sinh vật bé nhỏ vào cơ thể các loài sinh vật lớn hơn, hoặc cơ thể con người thông qua chuỗi thức ăn.
Tháng 3/2022, các nhà khoa học từ Đại học Vrije Amsterdam và Trung tâm Y tế Đại học Amsterdam, Hà Lan đã phân tích mẫu máu thu được từ 22 người hiến tặng khỏe mạnh. Hai phương pháp xác định thành phần hóa học và các hạt có trong mẫu máu đã được sử dụng để đối chiếu nhau. Kết quả vẫn cho thấy sự hiện diện của vi hạt nhựa, hay polyme tổng hợp trong số 17 mẫu thử, tương đương với tỷ lệ 77%. Mẫu nhựa tìm thấy là polyethylene terephthalate (PET) và được sử dụng làm chai đựng nước, vải quần áo... Ngoài ra còn có sự hiện diện của nhựa PS, thường sử dụng để làm thảm và hộp đựng thực phẩm.
Những tác hại của vi hạt nhựa đến sức khỏe con người như: (i) Nguy cơ bị tổn thương và tắc nghẽn: Khi đi vào cơ thể con người, vi hạt nhựa gây tổn thương một số cơ quan, hoặc làm tắc nghẽn hệ tiêu hóa và hô hấp, tổn thương phổi, dạ dày, thâm nhập mạch máu, ... (ii) Nguy cơ cơ thể nhiễm độc: Các chất phụ gia độc hại như bisphenol A, phthalates, phụ gia chống cháy được thêm vào trong quá trình sản xuất nhựa. Khi nhựa phân rã, vỡ vụn sẽ phát tán ra môi trường, gây hại cho sức khỏe con người. (iii) Nguy cơ phát tán mầm bệnh và tạp chất ô nhiễm: Các kim loại nặng, chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (POPs) và vi khuẩn gây bệnh dễ dàng bám trên bề mặt vi hạt nhựa, trở thành vật chủ trung gian, phát tán các chất uế tạp và mầm bệnh. Các sợi vi hạt nhựa mang mầm bệnh có thể theo đường thức ăn, hay nước mưa đưa trở lại nguồn nước sinh hoạt và đi vào cơ thể người.
Việt Nam có diện tích đứng thứ 65, dân số xếp thứ 15, thu nhập bình quân đầu người đứng thứ 128 trong tổng số 195 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Nhóm xả rác thải nhựa ra biển nhiều nhất có sự góp mặt của 5 nước trong khối ASEAN, Việt Nam ở vị trí thứ 4. Hiện nay, Việt Nam và các nước trên thế giới đang nỗ lực trong vấn đề Giải quyết ô nhiễm nhựa.
Cách để xác minh sản phẩm đó có chứa hạt vi nhựa: (i) Xem thành phần trong sản phẩm sử dụng có chứa Polyethylene, Polypropylene, Polyethylene terephthalate, Polymethyl methacrylate), Polystyrene, Axit polylactic (PLA). (ii) Sử dụng phần mềm quét mã vạch sản phẩm sẽ biết được chúng có hạt vi nhựa hay không, mang tên “Beat the microbeads” (được phát triển bởi UNEP).
Một số biện pháp có thể thực hành đối với từng cá nhân trong việc giảm tối đa nguy cơ dung nạp các hạt vi nhựa vào trong cơ thể như: Nói KHÔNG với túi nilon; Sử dụng chai, bình nước cá nhân; Không dùng ống hút, thìa, dĩa, bát, đĩa nhựa; Sử dụng và mua các sản phẩm được đóng gói bằng ít chất dẻo hơn; Tránh dùng các mỹ phẩm và sản phẩm vệ sinh cá nhân có chứa microbeads; Tránh xa hộp đựng thực phẩm bằng nhựa có các vấn đề đã biết như nhựa mã số “3”, “6” và “7” có sự hiện diện của phthalates, styrene và bisphenols; Ăn các thực phẩm tự chế biến nhiều hơn; Hạn chế bụi bẩn trong nhà…
Các kết quả của nghiên cứu được trình bầy trong Seminar không chỉ ứng dụng trong lĩnh vực giảng dạy, học tập mà còn trong nghiên cứu khoa học cho giảng viên, nghiên cứu viên, và sinh viên trong lĩnh vực thực phẩm.
---- Đỗ Thị Hồng Hải - Trợ lý Khoa học tổng hợp----