Ngày 15 tháng 01 năm 2024, Khoa Công nghệ thực phẩm đã tổ chức thành công seminar khoa học tháng 1với các chuyên đề sau:

Chuyên đề 1: Ứng dụng của amino acid trong đời sống và công nghiệp, do TS. Lê Thiên Kim - Bộ môn Quản lý chất lượng và An toàn thực phẩm trình bày.

Chuyên đề 2: Chuyên đề: Đánh giá hàm lượng amin sinh học trong một số thực phẩm lên men trên hệ thống sắc ký LC-MS/MS, do ThS. Phạm Thị Dịu - Phòng thí nghiệm trung tâm trình bày.

Chuyên đề 3: Chiến lược đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực vi sinh vật thực phẩm đáp ứng xu thế hội nhập quốc tế, do Đặng Thị Thanh Sơn (Viện Thú y) - Giảng viên thỉnh giảng bộ môn Quản lý chất lượng và An toàn thực phẩm trình bày.

Tham dự Seminar có cán bộ, giảng viên và sinh viên trong khoa Công nghệ thực phẩm.

leftcenterrightdel
TS. Lê Thiên Kim - Bộ môn Quản lý chất lượng và An toàn thực phẩm. 

Mở đầu chương trình seminar là bài trình bày của TS. Lê Thiên Kim với tên đề tài: “Ứng dụng của amino acid trong đời sống và công nghiệp”. Axit amin được biết đến như đơn vị cơ bản cấu thành nên sự sống. Nó đóng vai trò quan trọng trong việc tạo nên các protein khác nhau, giúp đảm nhiệm nhiều chức năng khác nhau trong hoạt động sống của cơ thể, giúp điều hòa các yếu tố liên quan tới nội tiết cũng như dẫn truyền thần kinh để điều khiển các quá trình sinh hóa trong cơ thể. Ứng dụng của axit amin trong đời sống và khoa học có thể chia làm 6 lĩnh vực chính, liên quan tới thực phẩm, dinh dưỡng và sức khỏe, y – dược học, chăm sóc sắc đẹp, nông nghiệp và vật liệu điện tử. Trong thực phẩm, axit amin có vai trò trong việc điều chỉnh hương vị của thực phẩm. Trong lĩnh vực dinh dưỡng và sức khỏe, chúng đóng vai trò lớn trong việc giúp giảm thiểu mệt mỏi khi vận động, nâng cao chất lượng giấc ngủ, tăng sức đề kháng của cơ thể, cũng như điều chỉnh các quá trình chuyển hóa cồn. Trong lĩnh vực y – dược học, axit amin có thể được ứng dụng trong việc chuẩn đoán và sàng lọc sớm các bệnh về ung thư. Về lĩnh vực chăm sóc sắc đẹp, chúng giúp cải thiện chất lượng về da và tóc của con người. Còn trong lĩnh vực chăn nuôi, việc bổ sung axit amin vào khẩu phần ăn giúp nâng cao chất lượng và hiệu suất, cũng như giảm lượng chất thải ngành vào môi trường. Đặc biệt, trong lĩnh vực vật liệu điện tử, axit amin được ứng dụng để tạo ra các chất kết dính sinh học, an toàn cho sức khỏe người dùng và môi trường. Ngoài ra chúng còn được sử dụng để tạo ra phim cách nhiệt và vật liệu từ tính thế hệ mới. Từ tất cả những điều trên cho thấy, axit amin đóng vai trò rất lớn và có tiềm năng để phát triển các nghiên cứu ứng dụng thực tiễn góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của con người cũng như các sinh vật khác.

leftcenterrightdel
ThS. Phạm Thị Dịu - Phòng thí nghiệm trung tâm. 

Chương trình Seminar được tiếp nối với bài trình bày của Chuyên đề: "Đánh giá hàm lượng amin sinh học trong một số thực phẩm lên men trên hệ thống sắc ký LC-MS/MS” do ThS. Phạm Thị Dịu - Phòng thí nghiệm trung tâm trình bày. Trong nghiên cứu này, phương pháp xác định các amine sinh học trong 1 số thực phẩm lên men bằng phương pháp sắc ký lỏng ghép khối phổ hai lần (LC-MS/MS). Các amine sinh học nói chung là các hợp chất có khối lượng phân tử thấp, chủ yếu được tạo ra thông qua phản ứng decarboxyl hóa axit amin tự do bởi vi khuẩn, loại bỏ nhóm carboxyl khỏi axit amin để tạo thành các amin tương đương và carbon dioxide. Các amin sinh học bao gồm histamine, putrescine, tyramine, cadaverine, spermine hoặc spermidine khi bị dung nạp trên mức cho phép sẽ khiến người dùng gặp phải các triệu chứng có hại như đau đầu, tiêu chảy, nôn mửa, dị ứng, tim đập nhanh, tăng huyết áp và hoặc hạ huyết áp. Các amine này được phân tích bằng hệ thống LC-MS/MS sử dụng cột tách Waters HILIC Xbride (3.5 µm, 2.1 mm×150 mm) để tách trực tiếp các amine sinh học không qua dẫn xuất hóa hóa học. Các thông số quan trọng của phương pháp phân tích như khoảng tuyến tính, giới hạn phát hiện (LOD), giới hạn định lượng (LOQ), độ lặp lại, độ tái lặp, hiệu xuất thu hồi… được khảo sát và đánh giá. Nghiên cứu này đã xác nhận thành công giá trị sử dụng phương pháp phân tích các amin sinh học trên nước mắm, rượu vang, bia trên hệ thống LC-MS/MS đạt yêu cầu của AOAC 2007 và định lượng được hàm lượng các amine đó trên mẫu thị trường thu thập được.

leftcenterrightdel
 TS. Đặng Thị Thanh Sơn (Viện Thú y) - Giảng viên thỉnh giảng bộ môn Quản lý chất lượng và An toàn thực phẩm 

 

Kết thúc chương trình seminar khoa học tháng 1 là bài trình bày của TS. Đặng Thị Thanh Sơn - Viện Thú y với chuyên đề:  "Chiến lược đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực vi sinh vật thực phẩm đáp ứng xu thế hội nhập quốc tế"

Trong những năm gần đây, ngành chăn nuôi phát triển vượt bậc. Theo báo cáo của Cục Chăn nuôi, tổng đàn lợn năm 2023 ước đạt 30,3 triệu con, tăng 4,2% so với năm 2022. Trong đó cơ cấu vật nuôi dao động qua các năm cụ thế như sau:

- Chăn nuôi lợn chiếm 60-64%

- Chăn nuôi gia cầm chiếm 28-29%

- Chăn nuôi trâu, bò, dê, cừu 7%

Bên cạnh đó, sự chuyển dịch nhanh chóng từ chăn nuôi nông hộ sang chăn nuôi công nghiệp, liên kết chuỗi tạo giá trị kinh tế cao.  Năm 2011, cả nước có khoảng 4,13 triệu nông hộ chăn nuôi lợn, đến nay cả nước chỉ còn dưới 2 triệu nông hộ chăn nuôi lợn.

Mục tiêu quan trọng của Chính Phủ trong chiến lược phát triển chăn nuôi bền vững là đáp ứng yêu cầu chất lượng ATTP cho người tiêu dùng trong nước và tăng cường xuất khẩu. Tuy nhiên nhiều khó khăn đã được nhìn nhận. Đối với tiêu dùng trong nước, việc cạnh tranh về chất lượng và giá cả thị trường, các sản phẩm nhập khẩu, nguy cơ ô nhiễm thực phẩm dọc theo chuỗi sản xuất từ trang trại đên bàn ăn. Đối với xuất khẩu, thực phẩm phải đáp ứng các yêu cầu khắt khe của của nước nhập khẩu và vượt qua áp lực về các hàng rào kỹ thuật. Thay vì chỉ kiểm định đầu ra cuối cùng thì yêu cầu phải thực hiện cả 1 quy trình có thể ngăn ngừa rủi ro trong mỗi khâu của chuỗi sản xuất đều phải đáp ứng tiêu chuẩn phòng ngừa rủi ro, đòi hỏi bảo chất lượng sản phẩm thực phẩm (kiểm soát ô nhiễm vi sinh, tồn dư chất cấm, kháng sinh,….).

Mục tiêu hợp tác trong nghiên cứu, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao giữa Bộ môn Vệ sinh Thú y-Viện Thú y và Khoa CNTP lĩnh vực vi sinh thực phẩm đang được cả hai đơn vị đề cập trong các hội thảo. Trong đó, sớm xây dựng các chuyên đề giảng dạy lý thuyết và thực hành về bệnh truyền lây qua thực phẩm và hợp tác xây dựng các nhiệm vụ khoa học nhằm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao (ĐH, sau ĐH) lĩnh vực vi sinh thực phẩm.

Các kết quả của nghiên cứu được trình bày trong chương trình Seminar không chỉ ứng dụng trong lĩnh vực giảng dạy, học tập mà còn trong nghiên cứu khoa học cho giảng viên, nghiên cứu viên, và sinh viên trong lĩnh vực thực phẩm.

                          ----  Đỗ Thị Hồng Hải -  Trợ lý Khoa học tổng hợp ----