Sáng ngày 11 tháng 10 năm 2018, Khoa Công nghệ thực phẩm đã tổ chức thành công seminar khoa học tháng 10 với các chuyên đề sau:

Chuyên đề 1: “Công cụ truy xuất nguồn gốc thực phẩm”  do TS. Vũ Thị Kim Oanh - Bộ môn Công nghệ sau thu hoạch trình bày.

Chuyên đề 2: Vi khuẩn Lactic có hoạt tính probiotic để bổ sung vào thức ăn chăn nuôi gà do TS. Nguyễn Thị Lâm Đoàn - Bộ môn Hòa sinh – Công nghệ sinh học thực phẩm trình bày.

Tham dự seminar có cán bộ, giảng viên và sinh viên trong khoa Công nghệ thực phẩm. Các bài tham luận tại Seminar đã mang tới cho người nghe nhiều thông tin mới, bổ ích cho việc giảng dạy, học tập và nghiên cứu khoa học.

Sau mỗi bài trình bày đã có nhiều ý kiến thảo luận sôi nổi xoay quanh từng chủ đề báo cáo.

Bài trình bày của TS. Vũ Thị Kim Oanh

 TS. Vũ Thị Kim Oanh đã trình bày về Công cụ truy xuất nguồn gốc thực phẩm. Bài tham luận mang nhiều ý nghĩa thiết thực cho người tiêu dùng trong việc kiểm tra và truy xuất nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm nông sản, thực phẩm nói riêng và các sản phẩm tiêu dùng nói chung. Qua nghiên cứu, tác giả mong muốn mang lại cho người tiêu dùng những kiến thức, kỹ năng nhận biết được nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm như: nắm bắt rõ thông tin về sản phẩm, thông tin nhà sản xuất, biết quy trình sản xuất, và chứng nhận đảm bảo về sản phẩm, bảo vệ Thương hiệu Doanh nghiệp, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng…Giúp người tiêu dùng có kiến thức, phối hợp với cơ quan chức năng ngăn chặn hàng giả, hàng nhái trên thị trường.

 

Bài trình bày của TS. Nguyễn Thị Lâm Đoàn

TS. Nguyễn Thị Lâm Đoàn đã trình bày kết quả nghiên cứu về Vi khuẩn lactic có hoạt tính probiotic để bổ sung vào thức ăn chăn nuôi gà …Đây là đề tài tâm huyết đã được tác giả theo đuổi nhiều năm và đã có nhiều kết quả tốt có khả năng ứng dụng tạo ra chế phẩm thương mại áp dụng trong sản xuất công nghiệp.

Trong quá trình chăn nuôi gia cầm, đặc biệt ở  quy mô công nghiệp, kháng sinh đóng vai trò quan trọng không chỉ trong phòng trị bệnh mà còn được sử dụng như chất kích thích sinh trưởng của vật nuôi. Tuy nhiên, ngày nay trước tình hình lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi dẫn đến sự kháng thuốc của các vi sinh vật gây bệnh, dư lượng thuốc kháng sinh trong thực phẩm gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Chế phẩm probiotic đang được đánh giá như giải pháp thay thế hiệu quả, và cung cấp một phương thức an toàn bền vững đối với vật nuôi và người tiêu dùng. Thực tế, sử dụng chế phẩm probiotic mang lại rất nhiều lợi ích như hỗ trợ tiêu hóa thức ăn, cân bằng hệ vi sinh đường ruột bằng cách cạnh tranh với vi khuẩn gây bệnh, từ đó giảm chi phí trong phòng bệnh, tăng hiệu quả chăn nuôi, đảm bảo chất lượng thịt và sức khỏe người tiêu dùng để nâng cao số lượng cũng như chất lượng đàn gia súc, gia cầm phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng cũng như xuất khẩu. Hiện nay, các sản phẩm probiotics cho chăn nuôi tại Việt Nam cũng khá phổ biến và được cung ứng bởi nhiều doanh nghiệp khác nhau. Tuy nhiên không phải chế phẩm nào cũng đạt “chuẩn”. Có những chế phẩm tốt được ứng dụng rộng rãi ở nước ngoài nhưng khi sử dụng ở Việt Nam không phù hợp với môi trường, khí hậu, điều kiện chăn nuôi nên không phát huy tối đa hiệu quả như mong muốn. Do vậy việc tuyển chọn các chủng có hoạt tính probiotic tại bản địa là hết sức cần thiết.  Trong số các chủng vi khuẩn lactic được phân lập từ ruột gà đã chọn được 02 chủng có đặc tính probiotic tốt như khả năng chịu acid, muối mật, sinh một số enzyme ngoại bào, kháng vi khuẩn gây bệnh, độ bám dính tốt. Đặc điểm phân loại cho thấy RG2.1 giống Pedioccoccus, chủng RG8.1 thuộc giống Lactobacillus. Môi trường nhân giống tự tạo MRSII là môi trường rẻ tiền, dễ kiếm và có thể thay thế được môi trường MRS để lên men với thể tích lớn. Hướng nghiên cứu tiếp theo là tìm chất mang và chế độ sấy để tạo chế phẩm. Tuyển chọn nhóm Bacillus có hoạt tính probiotic và tạo chế phẩm probiotic. Đánh giá ảnh hưởng chế phẩm đối với chăn nuôi gà.

Seminar đã giúp cho các nhà khoa học, cán bộ và sinh viên trong Khoa hiểu rõ hơn một số hướng nghiên cứu mà đồng nghiệp của mình đang theo đuổi đồng thời cũng góp ý để các nghiên cứu hoàn thiện hơn.