Ngày 24 tháng 12 năm 2020, Khoa Công nghệ thực phẩm đã tổ chức thành công seminar khoa học tháng 12 với các chuyên đề sau:

Chuyên đề 1: “Bao bì thông minh” do ThS. Nguyễn Thị Thu Nga - Bộ môn Công nghệ sau thu hoạch trình bày. “

Chuyên đề 2: Giới thiệu về luật và một số quy định quản lý an toàn thực phẩm ở Việt Nam” do ThS. Phan Thị Phương Thảo- Bộ môn Quản lý chất lượng và An toàn thực phẩm trình bày.

Chuyên đề 3: " Xác định điều kiện chiết xuất tối ưu và ảnh hưởng của điều kiện chiết xuất đến độ este hóa của pectin từ vỏ quả chanh dây tía (Passiflora edulis Sims)" do ThS. Nguyễn Trọng Thăng - Bộ môn Công nghệ sau thu hoạch trình bày.

 Tham dự seminar có cán bộ, giảng viên và sinh viên trong khoa Công nghệ thực phẩm. Các bài tham luận tại Seminar đã mang tới cho người nghe nhiều thông tin mới, bổ ích cho việc giảng dạy, học tập và nghiên cứu khoa học. Sau mỗi bài trình bày đã có nhiều ý kiến thảo luận sôi nổi xoay quanh từng chủ đề báo cáo.

leftcenterrightdel
 Bài trình bày của ThS. Nguyễn Thị Thu Nga - Bộ môn Công nghệ sau thu hoạch

ThS. Nguyễn Thị Thu Nga giới thiệu khái quát về Bao bì thông minh và những ứng dụng trong bao gói thực phẩm. Bao bì thông minh là hệ thống bao gói có khả năng đi kèm với các chức năng thông minh như phát hiện, cảm biến, lưu trữ, truy xuất, giao tiếp và ứng dụng các khoa học logic để: thúc đẩy quyết định mua hàng, kéo dài tuổi thọ sản phẩm; tăng cường tính an toàn; cải thiện chất lượng; cung cấp thông tin; cảnh báo về các vấn đề có khả năng xảy ra. Bao bì thông minh được chia thành 3 nhóm chính: (1) Bao bì thông minh có chỉ báo chất lượng sản phẩm bằng màu sắc (Chỉ báo nhiệt độ - thời gian: Fresh-Check®, OnVu, Check_Point, TT SensorTM®, Thermochromic ink, Chỉ báo O2: Ageless-eye, Chỉ báo CO2: CO2 indicator; Chỉ báo mầm bệnh: Toxin GuardTM; Chỉ báo độ tươi: Fresh Tag®, RipeSense, SensorQTM); (2) Bao bì tích hợp thẻ nhận dạng tần số vô tuyến (Radio Frequency Identification Tag – RFID) mang thông tin về sản phẩm để quản lý và truy xuất sản phẩm; (3) Bao bì tích hợp cảm biến sinh học để phát hiện nhiễm bệnh cụ thể như Samonella, Listeria monocytogenes hay E. coli: Food Sentinel SystemTM

leftcenterrightdel
 Bài trình bày của ThS. Phan Thị Phương Thảo- Bộ môn Quản lý chất lượng và An toàn thực phẩm

Tiếp nối chương trình Seminar là bài trình bày tổng quan của ThS. Phan Thị Phương Thảo về xu hướng quản lý ATTP ở Việt Nam, bao gồm giới thiệu các cơ quản lý ATTP ở trung ương và các cấp địa phương giới thiệu cơ bản về các văn bản quy phạm pháp luận quản lý các vấn đề liên quan đến sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm. Như chúng ta đã biết, thực phẩm an toàn đóng góp to lớn trong việc cải thiện sức khoẻ con người, chất lượng cuộc sống và chất lượng giống nòi. Chính vì vậy an toàn thực phẩm là vấn đề có tầm quan trọng đặc biệt, được tiếp cận với thực phẩm an toàn đang trở thành quyền cơ bản của mỗi con người.      

Một trong những vấn đề quan trọng trong lĩnh vực đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) là việc tiếp cận và hiểu rõ các quy định của pháp luật liên quan đến vấn đề quản lý, sản xuất, mua bán và sử dụng thực phẩm an toàn. Điều này là rất cần thiết với cả các cán bộ đang làm ở các cơ quan quản lý liên quan đến nông sản thực phẩm, nhân viên tại các nhà máy sản xuất chế biến thực phẩm. Đặc biệt, bài báo cáo đề cập kỹ đến các các quy định về hồ sơ cũng như trình tự, thủ tục xin cấp “Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm” và “Tự công bố sản phẩm” được quy định mới trong nghị định 15/2018/NĐ-CP, những giấy tờ không thể thiếu trước khi đưa sản phẩm thực phẩm ra thị trường.

leftcenterrightdel
 Bài trình bày của ThS. Nguyễn Trọng Thăng - Bộ môn Công nghệ sau thu hoạch

ThS. Nguyễn Trong Thăng đã kết thúc chương trình seminar bằng bài trình bầy khái quát về nghiên cứu xác định điều kiện chiết xuất tối ưu và ảnh hưởng của điều kiện chiết xuất đến độ este hóa của pectin từ vỏ quả chanh dây tía (Passiflora edulis Sims). Pectin từ lâu đã được sử dụng trong ngành công nghệ thực phẩm với chức năng làm chất phụ gia, chất tạo gel, tạo đông…trong các sản phẩm như mứt quả, bánh kẹo, sữa chua…Gần đây, các nhà khoa học đã chứng minh được rằng pectin còn có tiềm năng rất cao trong việc ứng dụng làm màng sinh học bảo quản thực phẩm. Tuy nhiên, không phải loại pectin nào cũng có thể tạo màng bảo quản được. Để có thể dùng làm màng bảo quản thì pectin cần phải có các đặc tính hóa lý phù hợp. Mặt khác, nhận thấy vỏ chanh dây là một nguồn phế phụ phẩm dồi dào, rẻ tiền, với tỉ lệ vỏ quả chiếm khoảng 51% tổng khối lượng quả (Inayati và cs., 2018). Vì vậy, mục tiêu của nghiên cứu này là tìm ra được điều kiện tối ưu để chiết xuất pectin từ vỏ chanh dây tía (Passiflora edulis Sims) và đánh giá ảnh hưởng của điều kiện chiết xuất đến độ este hóa của pectin thu nhận được. Quy hoạch thực nghiệm với phương pháp bề mặt đáp ứng, kết quả nghiên cứu đã tìm được điều kiện tối ưu để chiết xuất pectin từ vỏ chanh dây như sau: nồng độ acid citric 8.00%, nhiệt độ 82.14 oC, thời gian 81.07 phút và hàm lượng pectin thu nhận ở điều kiện này là 24.42%. Đồng thời, đã xác định được đặc tính hóa lý của pectin chiết xuất từ vỏ chanh dây ở điều kiện tối ưu: chỉ số EW 586.92 ± 17.55, DE 38.76 ± 1.52 %, MI 3.94 ± 0.13 %, AUA 76.58 ± 1.19 %. Kết quả cũng chỉ ra rằng điều kiện chiết xuất khác nhau có ảnh hưởng rõ rệt đến độ este hóa của pectin chiết xuất từ vỏ chanh dây. Nghiên cứu này góp phần tạo ra một loại vật liệu sinh học vừa có tác dụng bảo quản, vừa đảm bảo an toàn thực phẩm.

Chương trình Seminar đã giúp cho các nhà khoa học, cán bộ, giảng viên và sinh viên trong Khoa hiểu rõ hơn một số hướng nghiên cứu mà đồng nghiệp của mình đang theo đuổi đồng thời cũng góp ý để các nghiên cứu hoàn thiện hơn.

                          ----  Đỗ Thị Hồng Hải -  Trợ lý Khoa học ----