Sáng ngày 27  tháng 02  năm 2023, Khoa Công nghệ thực phẩm đã tổ chức thành công seminar khoa học tháng 2 với các chuyên đề sau:

Chuyên đề 1: Bột cam hoà tan, từ canh tác đến ứng dụng - do TS. Đinh Thị Hiền, bộ môn Công nghệ chế biến trình bày

Chuyên đề 2: Nhiễm Salmonella trong thực phẩm nhập khẩu - Lỗ hổng trong công tác kiểm tra, giám sát và Hậu quả - do TS. Nguyễn Thị Thanh Thủy, bộ môn Quản lý chất lượng và An toàn thực phẩm trình bày.

 Tham dự seminar có sự góp mặt của các cán bộ, giảng viên và sinh viên trong khoa Công nghệ thực phẩm. Các bài tham luận tại Seminar đã mang tới cho người nghe nhiều thông tin mới bổ ích trong việc giảng dạy, học tập và nghiên cứu khoa học.

Mở đầu chương trình PGS.TS. Nguyễn Thị Thanh Thủy, Bộ môn Quản lý chất lượng và An toàn thực phẩm trình bày chủ đề về: “Nhiễm Salmonella trong thực phẩm nhập khẩu - lỗ hổng trong công tác kiểm tra”. Nội dung giới thiệu liên quan đến 3 phần chính: (1) Giới thiệu chung về Salmonella; (2) Thực phẩm nhập khẩu nhiễm Salmonella; (3) Lỗ hổng trong kiểm tra, giám sát thực phẩm nhập khẩu.

leftcenterrightdel
 Bài trình bày của PGS.TS. Nguyễn Thị Thanh Thủy

Trong phần giới thiệu chung về Salmonella, đặc điểm chung, yếu tố độc lực, sự phân bố, các loại bệnh và biểu hiện bệnh (thương hàn và không thương hàn) do Salmonella gây ra đã được mô tả chi tiết kèm hình ảnh minh họa. Khi đề cập đến nhiễm khuẩn Salmonella trong thực phẩm nhập khẩu, thông tin, số liệu cung cấp có được từ năm 1990 đến 2022 liên quan đến bùng phát dịch đối với các sản phẩm nhập khẩu không đảm bảo an toàn tại Mỹ và thế giới. Tại Việt Nam trong những năm gần đây, cnhiều sản phẩm nhập khẩu phải thu hồi, tiêu hủy do nhiễm Salmonella như sữa của một số công ty Pháp, Mỹ; kẹo của Bỉ, gà của Ba Lan… Cũng có thể thấy, hầu hết các thực phẩm đều có thể dễ dàng nhiễm Salmonella. Những điểm hạn chế trong công tác kiểm tra, giám sát thực phẩm nhập khẩu có thể kể đến như hệ thông quản lý, thanh tra, kiểm tra chưa đầy đủ; chưa có sự phối hợp đồng bộ trong công tác kiểm tra; hàng hóa không rõ nguồn gốc vẫn còn nhiều; người tiêu dùng còn dễ dàng chấp nhận thực phẩm không rõ nguồn gốc; thiếu kinh phí cho công tác lấy mẫu kiểm tra… Do tính chất nghiêm trọng, tỉ lệ tử vong cao, dễ lây truyền nên hậu quả khi bị bệnh do Salmonella ngoài ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng còn làm giảm uy tín của doanh nghiệp thực phẩm, thiệt hại về kinh tế khi phải thu hồi và tiêu hủy sản phẩm, gây ra gánh nặng cho ngành y tế cộng đồng, cho ngành công nghệ thực phẩm nói riêng và kinh tế - xã hội nói chung. Các ý kiến thảo luận, trao đổi xoay quanh vấn đề cần sử dụng biện pháp gì để phòng, chống, quản lý Salmonella cũng như các vi sinh vật gây bệnh khác.

leftcenterrightdel
Bài trình bày của TS. Đinh Thị Hiền 

Tiếp theo chương trình là bài trình bày của TS. Đinh Thị Hiền, Bộ môn Codong nghệ chế biến với chủ đề: “Bột Cam hòa tan, từ canh tác đến ứng dụng”. Bài trình bày gồm 07 phần chính như sau: (1) Những tồn tại và thách thức trong sản xuất  chế biến các sản phẩm từ quả Cam, (2) Giải pháp phát triển cây Cam, (3)Một số sản phẩm chế biến từ quả Cam, (4) Quy trình sản xuất bột cam Cao Phong bằng phương pháp sấy phun,  (5)Định hướng phát triển chế biến sâu quả Cam, (6) Ứng dụng bột Cam hoà tan, (7) Vai trò bột cam hoà tan với sức khoẻ của con người.

Hiện nay cam  được trồng nhiều ở các tỉnh như: Hưng Yên, Hoà Bình, Tuyên Quang, Đồng bằng sông Cửu Long như Tiền Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Bến Tre, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng...  Quả Cam mang lại  hiệu quả kinh tế cao, dễ tiêu thụ, vì vậy Cây cam và đang được coi là cây trồng chủ lực, nông dân địa phương đã từng bước chuyển đổi đất canh tác lúa sang canh tác cam. Sự phát triển quá “nóng” của cây cam tại miền Bắc kéo theo mất cân đối cung - cầu cam tươi. Vì vậy chế biến sâu các sản phẩm từ quả cam chưa theo kịp để giảm áp lực mùa vụ

 Cam có hàm lượng folate cao giúp hình thành DNA và đảm bảo tế bào phát triển khỏe mạnh. Folate cũng được biết là có tác dụng bảo vệ tế bào khỏi bị hư hại thường xuyên và chống lại các gốc tự do. Một ly nước cam hàng ngày không chỉ đảm bảo hoạt động đều đặn và trơn tru của máu trong cơ và các cơ quan mà còn giúp hình thành các tế bào hồng cầu mới cho thấy một cơ thể khỏe mạnh. Nước cam cũng làm giảm đáng kể quá trình oxy hóa tế bào. Nước cam chứa các chất chống viêm và giúp hoạt động trơn tru của các cơ quan, các hợp chất hoạt tính sinh học như flavonoid - hesperidin và naringenin có tác dụng kỳ diệu đối với cơ thể Nước cam chứa các chất chống viêm và giúp hoạt động trơn tru của các cơ quan, các hợp chất hoạt tính sinh học như flavonoid - hesperidin và naringenin có tác dụng kỳ diệu đối với cơ thể. Cam là một nguồn cung cấp vitamin C  giúp tránh cảm lạnh theo mùa, ho và tăng cường khả năng miễn dịch. Cải thiện hệ tiêu hóa. Uống một ly nước cam  có thể giúp điều hòa nhu động ruột, chướng bụng và lên men thức ăn. Cam có tính axit và kiềm, cam cũng làm sạch dạ dày và hệ tiêu hóa thường xuyên. Do đặc tính chống viêm, nước cam có lợi trong việc ngăn ngừa đầy hơi, đặc biệt là đối với phụ nữ. Chính những tác dụng của Cam đối với sức khỏe con người và được ứng dụng đa dạng trong chế biến, sản xuất cam, nhưng quá trình bảo quản Cam sau thu hoạch khó khăn, mùa vụ ngắn hậu bảo quản cam khó khăn, thời hạn sử dụng ngắn nên nhóm đã nghiên cứu ứng dụng bột Cam Cao Phong hoà tan để sản xuất nước giải khát, sử dụng trong dược phẩm: Bổ sung thuốc hạ sốt cho trẻ em, viên  vitamin C, Nước điện giải...sản xuất kẹo dẻo, cứng, sô cô la, bích quy, sữa công thức...

Sau mỗi bài trình bày, các nhà khoa học đã có những thảo luận sôi nổi xoay quanh từng chủ đề báo cáo. Từ đó, giúp cho các nhà khoa học, cán bộ và sinh viên trong Khoa hiểu rõ hơn một số hướng nghiên cứu của đồng nghiệp và các thầy cô trong khoa đang thực hiện để học hỏi, kế thừa và góp ý, cộng tác để hoàn thiện các hướng nghiên cứu và từng bước đưa vào ứng dụng trong công nghiệp thực phẩm và thương mại.

---ThS. Đỗ Thị Hồng Hải – Khoa Công nghệ thực phẩm tổng hợp----