Sáng ngày 5 tháng 4 năm 2018, Khoa Công nghệ thực phẩm đã tổ chức thành công seminar khoa học tháng 4 với hai chuyên đề. Tham dự seminar có sự góp mặt của các cán bộ, giảng viên và sinh viên trong khoa Công nghệ thực phẩm. Các bài tham luận tại seminar đã mang tới cho người nghe nhiều thông tin mới bổ ích trong việc giảng dạy, học tập và nghiên cứu khoa học, đặc biệt là việc phát triển các sản phẩm thực phẩm có giá trị dinh dưỡng và hoạt tính sinh học cao.

1- Chuyên đề 1: "Tiềm năng khai thác và giá trị của dầu từ hạt chè (Camellia sinensis)" do ThS. Phan Thị Phương Thảo - Bộ môn Quản lý chất lượng và An toàn thực phẩm trình bày.

Bài trình bày của ThS. Phan Thị Phương Thảo

 

Báo cáo đã cung cấp các thông tin tổng quan về diện tích, sản lượng cũng như tiềm năng sản xuât và xuất khẩu chè, Việt Nam là nước sản xuất chè lớn thứ 7 và xuất khẩu chè đứng thứ 5 trên thế giới, với trên 133 nghìn ha diện tích trồng chè (Tổng cục thống kê, 2016).Rất nhiều hộ gia đình và công nhân đã và đang sống bằng nghề trồng chè, chế biến các sản phẩm từ cây chè. Tuy vậy, thực tế giá trị kinh tế đem lại từ cây chè chưa cao so với các cây trồng khác.

Hạt từ cây chè ở Việt Nam vẫn được coi là một phế phụ phẩm, đang bị bỏ phí. Tuy nhiên đã có nhiều nghiên cứu trên thế giới cho thấy trong hạt chè có thành phần dầu béo chiếm tỷ lệ 22-32%, là một loại dầu được chứng minh là an toàn, đạt đầy đủ tính chất hoá lý tiêu chuẩn của dầu thực vật thông thường. Đặc biệt hơn, dầu hạt chè còn có khả năng chống oxy hoá do sự có mặt của các hợp chất kháng oxy hoá tự nhiên như polyphenol, tocopherol, carotenoid… Điều đó làm cho dầu hạt chè trở thành một nguyên liệu tiềm năng trong sản xuất các sản phẩm thực phẩm hỗ trợ cho sức khoẻ, thực phẩm chức năng, dược phẩm, mỹ phẩm… Hơn nữa, tận dụng nguồn nguyên liệu hạt chè sẽ giúp nâng cao giá trị kinh tế của cây chè, cải thiện đời sống của người trồng chè Việt Nam.

Báo cáo cũng giới thiệu một số phương pháp tách chiết dầu thực vật nói chung cho hàm lượng cũng như chất lượng dầu cao để từ đó làm cơ sở cho việc lựa chọn phương pháp phù hợp cho tách chiết dầu từ hạt chè.

2- Chuyên đề 2: "Một số phương pháp chế biến rượu trái cây" do TS. Đinh Thị Hiền - Bộ môn Công nghệ chế biến trình bày.

Bài trình bày của TS. Đinh Thị Hiền

 

Chuyên đề đã giới thiệu khái quát về các loại rượu trái cây, rượu mùi nổi tiếng từ các nước trên thế giới và giới thiệu một số quy trình sản xuất rượu hoa quả ở Việt Nam. Nội dung báo cáo mang nhiều thông tin thú vị, mở ra nhiều cơ hội phát triển và nâng cao chất lượng các sản phẩm rượu truyền thống ở Việt Nam. Định hướng của tác giả muốn nghiên cứu nâng cao chất lượng rượu truyền thống và hình thành một số sản phẩm rượu mùi, rượu thuốc chất lượng cao để thương mại và xuất khẩu.

Sau mỗi bài trình bày, các nhà khoa học đã có những thảo luận sôi nổi xoay quanh từng chủ đề báo cáo.

Seminar đã giúp cho giảng viên, sinh viên trong khoa có cơ hội đã trao đổi, chia sẻ cập nhật nhiều thông tin khoa học công nghệ mới một cách cởi mở, góp phần định hướng, gợi mở các ý tưởng nghiên cứu cho các tác giả. Đồng thời, những ý kiến góp ý, trao đổi của các nhà khoa học cũng giúp cho các đề tài, dự án được hoàn thiện, có giá trị khoa học và nâng cao tính ứng dụng trong thực tiễn sản xuất.