Ngày 16 tháng 05 năm 2022, Khoa Công nghệ thực phẩm đã tổ chức thành công seminar khoa học tháng 05 với các chuyên đề sau:

Chuyên đề 1: Ứng dụng của phương pháp sinh học phân tử- Realtime PCR trong phân tích thực phẩm - do PGS.TS. Nguyễn Hoàng Anh - Bộ môn Hoá sinh công nghệ sinh học thực phẩm trình bày

Chuyên đề 2: Phân lập và tuyển chọn vi sinh vật có khả năng sinh enzyme protease để xử lý phế phụ phẩm trong Ứng dụng của phương pháp sinh học phân tử- Realtime PCR trong phân tích thực phẩm-chế biến thủy sản- do ThS. Lê Thị Minh Nguyệt- Bộ môn Quản lý chất lượng và An toàn thực phẩm trình bày

Chuyên đề 3: Công nghệ UV LED và tiềm năng ứng dụng trong quản lý chất lượng rau quả tươi sau thu hoạch - do TS. Nguyễn Thị Hạnh- Bộ môn công nghệ sau thu hoạch trình bày

Seminar đã có gần 30 cán bộ, giảng viên và sinh viên trong khoa Công nghệ thực phẩm tham dự.

leftcenterrightdel
Bài trình bày của PGS.TS. Nguyễn Hoàng Anh 
 

Mở đầu chương trình seminar, PGS. TS. Nguyễn Hoàng Anh đã chia sẻ chủ đề: “Ứng dụng của phương pháp sinh học phân tử- Realtime PCR trong phân tích thực phẩm”.  Kỹ thuật sinh học phân tử realtime-PCR đã và đang được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực y học và thực phẩm. Ưu điểm của kỹ thuật realtime PCR so với kỹ thuật PCR thông thường và các loại PCR khác là do trong phản ứng PCR có bổ sung thêm các chất phát huỳnh quang, do đó kết quả nhân bản DNA đích trong ống nghiệm được hiển thị được ngay sau mỗi chu kỳ nhiệt của phản ứng. Chính vì vậy, người làm thí nghiệm không cần thiết phải làm tiếp các thao tác sau đó để phát hiện sản phẩm nhân bản (điện di sản phẩm PCR trên gel agarose hoặc lai với các đoạn dò đặc hiệu trên màng, giếng, …),  vì vậy quá trình chẩn đoán sẽ diễn ra nhanh hơn. Trong lĩnh vực thực phẩm,  kỹ thuật realtime PCR có thể được ứng dụng để kiểm nghiệm các vi sinh vật trong thực phẩm trong đó có vi sinh vật gây hư hỏng thực phẩm, vi sinh vật gây bệnh; Chất gây di ứng thực phẩm;; Truy xuất nguồn gốc thực phẩm; Thực phẩm biến đổi gene, nguồn nguyên liệu sử dụng trong sản xuất thực phẩm từ đó xác định sự gian lận trong sản xuất và kinh doanh thực phẩm.

leftcenterrightdel
Bài trình bày của ThS. Lê Thị Minh Nguyệt 

Tiếp nối chương trình Seminar là bài chia sẻ của ThS. Lê Thị Minh Nguyệt với chủ đề: “Phân lập và tuyển chọn vi sinh vật có khả năng sinh enzyme protease để xử lý phế phụ phẩm trong Ứng dụng của phương pháp sinh học phân tử- Realtime PCR trong phân tích thực phẩm-chế biến thủy sản”. Chế phẩm sinh học có tác dụng thủy phân phế phụ thủy sản tốt, cụ thể là có tác dụng thúc đẩy quá trình phân hủy cá nhanh (hiệu quả thủy phân tăng 72,2% so với đối chứng). Sản phẩm sau thuỷ phân có hàm lượng dinh dưỡng nitơ thuỷ phân cao, giúp cho cây trồng và động vật dễ hấp thụ, làm tăng hiệu quả sử dụng. Tác giả cùng nhóm nghiên cứu đã tuyển chọn từ 5 mẫu cá, tôm thối hỏng và phế phụ phẩm từ cá, tôm đã phân lập trên 4 loại môi trường được 64 chủng VSV bao gồm 49 chủng vi khuẩn, 8 chủng xạ khuẩn và 7 chủng nấm mốc. Đa số các chủng vi khuẩn đều trơn nhầy, màu sắc chủ yếu là trắng đục và trắng trong, một số chủng có màu vàng và màu cam và thuộc nhóm VSV sinh trưởng nhanh trong vòng 12 - 24h. Từ các chủng vi sinh vật phân lập trên, tuyển chọn được 5 chủng vi khuẩn có khả năng sinh enzyme protease cao (Bacillus sp. M14, Streptococcus sp.T4, Bacillus sp. T6, Bacillus sp. T8, Micrococcus sp. T11) để sản xuất chế phẩm sinh học.

leftcenterrightdel
 Bài trình bày của TS. Nguyễn Thị Hạnh

Kết thúc chương trình là bài trình bầy của TS. Nguyễn Thị Hạnh với chủ đề: “Công nghệ UV LED và tiềm năng ứng dụng trong quản lý chất lượng rau quả tươi sau thu hoạch”. Việc thương mại và tiêu thụ các loại rau xanh đang có xu hướng ngày càng tăng do rau xanh không chỉ tạo ra sự phong phú trong khẩu phần ăn hàng ngày mà còn đóng vai trò quan trọng trong chế độ dinh dưỡng và cải thiện sức khỏe con người. Rau là một nguồn cung cấp vi chất dinh dưỡng thiết yếu (như vitamin, chất khoáng) và các chất xơ. Tuy nhiên, các hợp chất tự nhiên trong rau xanh (phytochemicals) còn có thể mang đến nhiều lợi ích khác cho sức khỏe. Trong số đó, nhiều hợp chất đóng vai trò là các chất chống oxy hóa, có khả năng ngăn ngừa sự hư hại của tế bào do quá trình oxy hóa gây ra, và giảm thiểu nguy cơ của một số loại bệnh. Các hợp chất này có xu hướng biến đổi khác nhau trong sản phẩm, phụ thuộc chủ yếu vào điều kiện tồn trữ. Việt Nam hiện nay có diện tích và sản lượng rau ngày càng tăng, đặc biệt là một số loại rau chứa các hợp chất có giá trị sinh học cao như bông cải xanh, măng tây, ớt, đang được tiêu thụ tại các thị trường cao cấp trong nước và xuất khẩu, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, các loại rau này thường có tuổi thọ rất ngắn sau thu hoạch do cường độ trao đổi chất cao, sự thoát hơi nước, sự già hóa diễn ra nhanh chóng và sự tấn công của vi sinh vật.

Ánh sáng là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến các đặc tính chất lượng bên trong và bên ngoài của các sản phẩm cây trồng. Đã có nhiều nghiên cứu về sự ảnh hưởng của chiếu sáng ở giai đoạn trước thu hoạch, một số ít nghiên cứu ở giai đoạn sau thu hoạch chỉ ra sự ảnh hưởng của ánh sáng LED đến thành phần các hợp chất tự nhiên trong các sản phẩm cây trồng. Ánh sáng xanh LED đã được chứng minh làm tăng hàm lượng phenolic tổng số, đặc biệt là flavonoids ở dâu tây, bắp cải, cải Brussels, bông cải xanh, anh đào. Vai trò của ánh sáng LED đến sự kích thích tổng hợp các hợp chất thứ cấp có liên quan đến hoạt tính của enzyme phenylalanine ammonia-lyase. Bên cạnh đó, các tia UVB, UVC cũng đã được nhiều nghiên cứu cho thấy khả năng kích thích sự tổng hợp các hợp chất thứ cấp có lợi cho sức khỏe. Cơ chế kích thích của tia UVB và UVC được cho rằng liên quan đến cơ chế tổng hợp các hợp chất có lợi cho tế bào do sự ảnh hưởng của các gốc oxy hóa hoạt động.

Tia UV và đèn LED cũng đã được chứng minh là có thể làm chậm sự già hóa của rau quả sau thu hoạch trong những năm gần đây. Xử lý UV-C có thể làm giảm sự hô hấp của rau quả trong quá trình bảo quản sau thu hoạch bằng cách làm giảm hoạt động của các enzym hô hấp trong tế bào thực vật, do đó làm chậm quá trình già hóa. Xử lý UV-B có thể làm giảm hoạt động của các enzym liên quan đến sự phân hủy chlorophyll, duy trì màu sắc của sản phẩm tươi. Trong khi đó, đèn LED được báo cáo làm chậm quá trình già hóa một cách đáng kể vì cường độ ánh sáng tối ưu và bước sóng cụ thể tác động đến hoạt động sinh lý của rau quả. Tuy nhiên, những nghiên cứu về ảnh hưởng của việc xử lý đèn UV LED đối với sự già hóa và chất lượng của rau quả sau thu hoạch đến nay còn rất hạn chế trên thế giới và chưa được báo cáo ở Việt Nam. Vì vậy, việc nghiên cứu sự ảnh hưởng của đèn UV LED đến giá trị dinh dưỡng và quá trình già hóa của một số loại rau nói trên mang ý nghĩa khoa học và thực tiễn.

Chương trình seminar kết thúc vào 11h30 cùng ngày đã mang đến cho cán bộ, giảng viên và sinh viên những thông tin, cập nhật nhiều kiến thức mới ứng dụng trong lĩnh vực giảng dạy, học tập và nghiên cứu khoa học.

                          ----  Đỗ Thị Hồng Hải -  Trợ lý Khoa học tổng hợp----