Sáng ngày 7 tháng 6 năm 2018, Khoa Công nghệ thực phẩm đã tổ chức thành công seminar khoa học tháng6 với các chuyên đề sau:

Chuyên đề 1: Bột chiết lá ba cây Myrtaceae thu hái tại Việt Nam: tác dụng bảo quản tôm trong điều kiện lạnh và thành phần chủ yếu – do TS. Lại Thị Ngọc Hà – bộ môn Hóa sinh- CNSH trình bày.

Chuyên đề 2: Giới thiệu về tập đoàn Ezaki Glico - Nhật Bản - Do ThS. Shibahara Kazuko - Tình nguyện viên JICA trình bày.

Chuyên đề 3:  Một số thông tin về quả me rừng "Phyllanthus emblica" và ứng dụng trong công nghệ thực phẩm– ThS. Nguyễn Thị Quyên – bộ môn CNCB trình bày

Tham dự seminar có các cán bộ, giảng viên và sinh viên trong khoa Công nghệ thực phẩm. Các bài tham luận tại Seminar đã mang tới cho người nghe nhiều thông tin mới, bổ íchcho việc giảng dạy, học tập và nghiên cứu khoa học,  đặc biệt là việc phát triển các sản phẩm thực phẩm có giá trị dinh dưỡng và hoạt tính sinh học cao.

Sau mỗi bài trình bày đã có nhiều ý kiến thảo luận sôi nổi xoay quanh từng chủ đề báo cáo.

TS Lại Thị Hà đã trình bày kết quả ứng dụng chất chiết ​​lá của ba loại cây phổ biến ở Việt Nam thuộc họ Myrtaceae bao gồm Cleistocalyx operculatus (Vối), Psidium guajava (Ổi) và Rhodomyrtus tomentosa (Sim) trong  bảo quản tôm thẻ chân trắng ởđiều kiện nhiệt độ thấp. Chất chiết từ cả ba loại lá đều có hoạt tính ức chế cao đối với sự biến đen, sự sinh tổng hợp các hợp chất chứa nitơ dễ bay hơi, quá trình oxy hóa lipid và sự phát triển của vi sinh vật ở tôm bảo quản, do đó kéo dài thời hạn sử dụng tôm. Để hiểu rõ hơn về các tác dụng bảo quản của bột chiết, thành phần bột chiết được phân tích bằng UPLC-TripleTOF. Dữ liệu phổ khối lượng phân giải cao kết hợp với dữ liệu phân mảnh cho phép xác định khoảng 20 hợp chất chủ đạo trong mỗi chất chiết, tất cả thuộc nhóm polyphenol hoặc triterpene. Nghiên cứu này cho thấy tiềm năng ứng dụng của ba cây Myrtaceae như nguồn chất bảo quản tự nhiên trong bảo quản tôm.

ThS. Shibahara Kazuko – tình nguyện viên JICA Nhật Bản, trước đây là nhân viên của tập đoàn Ezaki Glico –chuyên sản xuất, kinh doanh về lĩnh vực thực phẩm đã giới thiệu khái quát về các sản phẩm của công ty và những kết quả nghiên cứu nổi bật của mình. Các thành viên tham dự đã có cơ hội tiếp cận các phương pháp, công nghệ mới tiên tiến của Nhật Bản ứng dụng trong lĩnh vực thực phẩm, đặc biệt là sản phẩm sữa “Glico” cho trẻ nhỏ được thị trường Việt Nam ưa chuộng và bánh ngọt có bổ sung “glycogen” có hiệu quả giống như “prebiotic”,  giúp giảm khối u và kích hoạt miễn dịch, ngăn chặn nguy cơ béo phì, cải thiện trí nhớ, tốt cho sức khỏe.

ThS. Nguyễn Thị Quyên đã trình bày một số thông tin cơ bản về thành phần hóa học chính cũng như một số ứng dụng của quả me rừng"Phyllanthus emblica". Đồng thời, nhóm tác giả cũng đã đề xuất được quy trình sản xuất sản phẩm đồ uống có nồng độ cồn thấp từ quả me rừng, đây là hướng đi mới góp phần đa dạng hóa các sản phẩm đồ uống trên thị trường. Dựa trên kết quả nghiên cứu và các góp ý của các nhà khoa học nhóm tác giả sẽ nghiên cứu sâu và phát triển một số sản phẩm khác từ nguồn nguyên liệu mới này.

Seminar đã giúp cho các nhà khoa học, cán bộ và sinh viên trong Khoa hiểu rõ hơn một số hướng nghiên cứu mà đồng nghiệp của mình đang theo đuổi đồng thời cũng góp ý để các nghiên cứu hoàn thiện hơn.