Ngày 13 tháng 06 năm 2022, Khoa Công nghệ thực phẩm đã tổ chức thành công seminar khoa học tháng 06 với các chuyên đề:

1 - Chuyên đề 1: Rep – PCR và tiềm năng ứng dụng công nghệ khối phổ Protein Maldi Tof Ms định danh vi khuẩn - do PGS.TS. Nguyễn Thị Lâm Đoàn – bộ môn Hóa sinh-công nghệ sinh học thực phẩm trình bầy.

2 - Chuyên đề 2: Phương pháp phân tích đánh giá bệnh tiểu đường - do TS. Vũ Thị Hạnh - bộ môn Công nghệ chế biến trình bầy.

Seminar đã có hơn 30 cán bộ, giảng viên và sinh viên trong khoa Công nghệ thực phẩm tham dự.

leftcenterrightdel
 PGS.TS. Nguyễn Thị Lâm Đoàn trình bày

Mở đầu chương trình seminar, PGS. Nguyễn Thị Lâm Đoàn đã chia sẻ kết quả đề tài: “Rep – PCR và tiềm năng ứng dụng công nghệ khối phổ Protein Maldi Tof Ms định danh vi khuẩn”. Việc định danh vi khuẩn có tầm quan trọng rất lớn trong các nghiên cứu ứng dụng vi sinh vật ở nhiều lĩnh vực khác nhau như y học, thực phẩm, nông nghiệp … và môi trường. Trong vài thập kỷ qua, những tiến bộ trong sinh học phân tử đã thay đổi cách tiếp cận nghiên cứu vi sinh vật một cách đáng kể các kỹ thuật mới ra đời góp phần hiểu rõ hơn về sự phức tạp của vi sinh vật trong các hệ sinh thái tự nhiên khác nhau. Mỗi phương pháp đều có ưu và nhược điểm, có liên quan đến các khả năng như: khả năng áp dụng, khả năng lặp lại, yêu cầu về thiết bị và mức độ định danh mong muốn. Tuy nhiên, một phương pháp định danh được sử dụng thường xuyên trong công nghiệp tốt nhất nên đơn giản, đáng tin cậy, rẻ tiền.

Kỹ thuật dấu vân tay di truyền Rep-PCR hay genomic fingerprinting Rep-PCR sử dụng các mồi bổ sung với các đoạn trình tự DNA lặp đi lặp lại trong genome của tế bào vi khuẩn. Kỹ thuật Rep-PCR đã chứng minh là một công cụ có giá trị và  sử dụng thường xuyên định danh các nhóm vi khuẩn như vi khuẩn lactic, tụ cầu… và  Escherichia coli. Tuy nhiên, nhược điểm của phương pháp dựa trên sự phân tách DNA, chạy PCR và chạy điện di trên gel agarose nên việc phân tích và cho kết quả tốn nhiều thời gian.

Trong thời gian gần đây, công nghệ phối khổ protein MALDI-TOF MS (matrix-assisted laser desorption/ionization-time-of-flight mass spectrometry) đã ra đời và được sử dụng trong định danh vi sinh vật. Phương pháp này dựa trên công nghệ khối phổ protein, so sánh sự tương đồng của khối phổ protein từ mẫu vi sinh vật cần xác định với khối phổ protein trong cơ sở dữ liệu loài đã biết. Qua nhiều nghiên cứu đã chỉ ra đó là khối phổ của ribosomal proteins được cho là đặc trưng cho từng loài vi khuẩn. So với định danh thông thường hoặc dựa trên PCR, MALDI-TOF MS thời gian phân tích ngắn có thể phân tích trực tiếp từ khuẩn lạc (cell smear) hoặc cell extract có chứa protein, yêu cầu khối lượng mẫu ít và chi phí thấp. Trong công nghệ thực phẩm, MALDI-TOF MS có thể xác định nguy cơ nhiễm vi sinh gây bệnh, gây hư hỏng thực phẩm từ quá trình sản xuất, nguyên nhân biến tính của sản phẩm. Ngoài ra, phương pháp này cho kết quả nhanh chóng, chính xác giúp các doanh nghiệp kịp thời cô lập, phân vùng sản phẩm bị hư hỏng không đạt chất lượng nhanh chóng đưa ra giải pháp khắc phục, giảm thiểu thiệt hại.

leftcenterrightdel
 TS. Vũ Thị Hạnh trình bày

Tiếp nối chương trình Seminar là bài trình bày của TS. Vũ Thị Hạnh với chuyên đề “Phương pháp phân tích đánh giá bệnh tiểu đường”. Tiền tiểu đường, thường được định nghĩa là rối loạn dung nạp glucose và / hoặc suy giảm glucose trong máu lúc đói, là một trạng thái có nguy cơ cao phát triển bệnh tiểu đường. Các chất chuyển hóa glycation như AGEs (advanced glycation end- products), được tạo ra từ quá trình biến đổi protein có chất trung gian carbonyl glucose, đã được phát hiện là có tác dụng đáng kể đối với bệnh tiểu đường và các biến chứng của nó. Hơn nữa, nghiên cứu lâm sàng cho thấy sự gia tăng của các chất chuyển hóa glycation có liên quan đến sự tiến triển của bệnh tiểu đường. Ở đây, chúng ta giả thuyết rằng các mức AGEs trong huyết tương bị thay đổi có thể là yếu tố để chẩn đoán tiền đái tháo đường, từ đó cho phép thực hiện các biện pháp can thiệp phòng ngừa.

Phương pháp LC-MS / MS kết hợp với kỹ thuật tạo dẫn xuất TNBS để phát hiện AGEs có độ nhạy cao đã thành công trong phân tích các chất AGE ở dạng vết. Hơn nữa, phương pháp TNBS-MS đã được áp dụng để định lượng dư lượng AGE trong quá trình hình thành bệnh tiền tiểu đường của nhóm chuột mắc bệnh tiểu đường tự phát (SDT), đồng thời so sánh kết quả với nhóm chuột đối chứng khỏe mạnh (SD). Nghiên cứu thực hiện thu thập thông tin chi tiết về hoạt động trao đổi chất của các AGE trong huyết tương của chuột SDT trong quá trình gây bệnh của bệnh tiểu đường. Kết quả cho thấy có sự gia tăng đáng kể hàm lượng MG-H1 trong protein huyết tương ở giai đoạn tiền tiểu đường thuộc nhóm chuột SDT, bất kể lúc đói không thay đổi đường huyết và nồng độ huyết tương không đổi của các AGE khác. Như vậy, dư lượng MG-H1 trong máu đóng vai trò như một yếu tố dự đoán bệnh nhân mắc bệnh tiền tiểu đường.

Các kết quả của nghiên cứu được trình bầy trong Seminar không chỉ ứng dụng trong lĩnh vực giảng dạy, học tập mà còn trong nghiên cứu khoa học cho giảng viên, nghiên cứu viên, và sinh viên trong lĩnh vực thực phẩm.

                          ----  Đỗ Thị Hồng Hải -  Trợ lý Khoa học tổng hợp----