Ngày 13 tháng 9 năm 2021, Khoa Công nghệ thực phẩm đã tổ chức thành công seminar khoa học tháng 9 với các chuyên đề sau:
Chuyên đề 1: “Kỹ thuật mới trong công nghệ sau thu hoạch dứa giống MD2” do PGS.TS. Trần Thị Lan Hương - Bộ môn Thực phẩm dinh dưỡng trình bày.
Chuyên đề 2: “Nghiên cứu chế tạo và ứng dụng nanobubbles nhân khí 1-MCP để bảo quản quả xoài sau thu hoạch” do ThS. Nguyễn Trọng Thăng – Bộ môn Công nghệ sau thu hoạch trình bày.
Chuyên đề 3: “Một số cơ chế điều trị bệnh tiểu đường của các sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên” do ThS. Hoàng Lan Phượng - Bộ môn Hóa sinh – Sinh học thực phẩm trình bày.
Tham dự seminar online có cán bộ, giảng viên và sinh viên trong khoa Công nghệ thực phẩm
Mở đầu chương trình seminar, PGS.TS. Trần Thị Lan Hương đã trình bày về kỹ thuật mới trong công nghệ sau thu hoạch dứa giống MD, là giống dứa lai giữa dứa Queen và Cayenne, có chất lượng vượt trội so với dứa bố mẹ, đặc biệt có hàm lượng vitamin C rất cao nên được người tiêu dùng nhiều nước trên thế giới ưa chuộng. 50-55% thị trường thế giới và 70-75% thị trường châu Âu về dứa tươi là thuộc về giống dứa MD2. Qui trình công nghệ sau thu hoạch cho dứa MD2 đã được nhiều nước xuất khẩu dứa tươi xây dựng đồng bộ từ từ khâu thu hái đến sơ chế, đóng gói, vận chuyển và bảo quản. Cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, nhiều kỹ thuật mới trong lĩnh vực công nghệ sau thu hoạch đã được hoàn thiện theo hướng đảm bảo an toàn hơn cho người sử dụng và môi trường : màng phủ sinh học, công nghệ siêu bọt khí (Nanobuble), công nghệ meditube… Ở Việt Nam, mặc dù cây dứa được trồng khắp các tỉnh từ Bắc tới Nam và cũng là nước có sản lượng dứa đứng hàng thứ 10 trên thế giới nhưng giống MD2 mới được nhập nội trong thời gian gần đây, đã thích ứng tốt và có triển vọng phát triển, mở rộng diện tích sản xuất. Do vậy, cần tiếp thu các kết quả tốt và ứng dụng các kỹ thuật mới để hoàn thiện qui trình công nghệ sau thu hoạch cho giống dứa MD2 trồng ở Việt Nam góp phần thúc đẩy ngành sản xuất dứa phát triển bền vững.
|
|
Bài trình bày của PGS.TS. Trần Thị Lan Hương |
Tiếp nối chương trình Seminar là bài trình bày của ThS. Nguyễn Trọng Thăng với chuyên đề “Nghiên cứu chế tạo và ứng dụng nanobubbles nhân khí 1-MCP để bảo quản quả xoài sau thu hoạch”. 1-MCP là chất khí đã được rất nhiều các nghiên cứu khoa học chứng minh có tác dụng hữu ích trong lĩnh vực bảo quản rau quả tươi. 1-methylcyclopropene (1-MCP) có vai trò ức chế quá trình sinh tổng hợp ethylene, nên có tác dụng làm chậm chín, kéo dài thời gian bảo quản rau củ quả. Phương pháp xông khí 1-MCP truyền thống có nhược điểm lớn ở chỗ do bột/viên/miếng 1-MCP đặt tại một vài vị trí nhất định trong buồng/kho xử lý nên khí 1-MCP không tiếp xúc được hết tất cả mọi vị trí trên bề mặt của quả, nhất là các vị trí bị che khuất, bị vật cản, dẫn đến hiệu quả xử lý không đồng đều. Hơn nữa, phương pháp này còn có những hạn chế như thời gian thực hiện lâu, các quả chín không đồng đều, nó đòi hỏi phải có thiết bị/kho chứa đảm bảo kín khí nên chi phí đầu tư cao, khó thực hiện ở quy mô lớn và bất tiện cho người sử dụng. Phương pháp ngâm trong nước có khí 1-MCP thì rút ngắn được thời gian xử lý nhưng có nhược điểm là tính hòa tan hạn chế của 1-MCP trong nước thông thường. Vì vậy, cần một giải pháp khắc phục các nhược điểm này. Và nanobubbles (NBs) là công nghệ mới rất tiềm năng để đáp ứng vấn đề này, nó làm tăng khả năng hòa tan và phân tán trong nước của 1-MCP. Với kích cỡ nanometre, các NBs có thể mang theo 1-MCP len lỏi tới mọi vị trí trên bề mặt quả, từ đó làm tăng khả năng tiếp xúc và hoạt động của 1-MCP. Định hướng phát triển lâu dài của nghiên cứu này là chế tạo ra dung dịch 1-MCP-NBs để bảo quản an toàn cho nhiều loại rau quả tươi.
|
|
Bài trình bày của ThS. Nguyễn Trọng Thăng |
Kết thúc chương trình seminar tháng 9 là bài trình bày của Ths. Hoàng Lan Phượng với chủ đề: “Một số cơ chế điều trị bệnh tiểu đường của các sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên” Bệnh tiểu đường là bệnh rối loạn chuyển hóa không đồng nhất, có đặc điểm tăng đường huyết do khiếm khuyết về tiết insulin, về tác động của insulin, hoặc cả hai. Bệnh gây nhiều biến chứng nguy hiểm ở nhiều phủ tạng đặc biệt là mắt, thần kinh, thận, tim, mạch máu. Ngày nay, số lượng người mắc bệnh tiểu đường ngày càng tăng cao. Trong nhiều nghiên cứu, các sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên đã thể hiện khả năng ngăn ngừa và điều trị bệnh tiểu đường với các cơ chế khác nhau. Thứ nhất, các hợp chất phytochemicals như các anthocyanins, phenolic acids trong các sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên có khả năng kìm hãm enzyme α-amylase và α-glucosidase trong đường ruột và kết quả là làm giảm hàm lượng đường hấp thu vào máu. Thứ hai, các hợp chất này cũng kìm hãm kênh vận chuyển glucose trong đường ruột và ngăn việc tái hấp thụ đường ở thận thông qua kênh vận chuyển sodium co-transporter (SGLT1, SGLT2) và glucose transporter (GLUTs). Thứ 3, các hợp chất này cũng kìm hãm enzyme dipeptidyl peptidase 4 (DPP4) để giúp tăng cường việc tiết insulin. Thứ 4, các hợp chất chống oxi hóa chiết tách từ tự nhiên như polyphenols, carotenoids giúp giảm quá trình stress oxi hóa, từ đó bảo vệ tế bào tuyến tụy.
|
|
Bài trình bày của Ths. Hoàng Lan Phượng |
Các bài tham luận đã mang tới cho người nghe nhiều kiến thức mới, hữu ích, và chuyên sâu về công nghệ sinh học, công nghệ sau thu hoạch và công nghệ chế biến của các giảng viên Khoa Công nghệ thực phẩm. Kết quả của nghiên cứu không chỉ ứng dụng trong lĩnh vực giảng dạy, học tập mà còn trong nghiên cứu khoa học cho giảng viên, nghiên cứu viên, và sinh viên trong cùng lĩnh vực.
Chương trình Seminar đã giúp cho các nhà khoa học, cán bộ, giảng viên và sinh viên trong Khoa hiểu rõ hơn một số hướng nghiên cứu mà đồng nghiệp của mình đang theo đuổi đồng thời cũng góp ý để các nghiên cứu hoàn thiện hơn.
---- Đỗ Thị Hồng Hải - Trợ lý Khoa học tổng hợp ----