Trong xã hội ngày nay, an toàn thực phẩm (ATTP) không chỉ là mối quan tâm của người tiêu dùng thực phẩm, mà còn là vấn đề trọng điểm của mỗi quốc gia khi có hàng loạt các mối đe dọa lớn có tính chất toàn cầu về an toàn sinh học như bệnh bò điên, cúm gia cầm, lở mồm long móng, … và gần đây là dịch tả lợn châu Phi. Ngoài ra, mối nguy an toàn hóa học cũng đang là vấn đề hết sức nghiêm trọng ở mỗi quốc gia như tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất bảo quản, thuốc kháng sinh,… trong thực phẩm. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang hoành hành trên khắp toàn cầu thì vấn đề sức khỏe và an toàn của người dân được các nước đưa lên hàng đầu, trong đó phải nói đến vấn đề tiêu dùng thực phẩm an toàn.

Khi Covid-19 nổ ra, người ta buộc phải thận trọng với tất cả mọi thứ xung quanh mình. Những câu hỏi luôn thường trực với mỗi người đó là: đối tượng mình tiếp xúc đến từ đâu? địa điểm mà mình đến và đi có an toàn không? thực phẩm mà mình ăn được cung cấp từ nguồn nào? Điều đó cho thấy việc “truy nguyên nguồn gốc’’ là hết sức cấp thiết và quan trọng.

Đối với nông sản, thực phẩm: một trong những yếu tố đầu tiên và quan trọng để đạt thực phẩm an toàn là phải rõ nguồn gốc, xuất xứ. Mặt khác, một sản phẩm để đến tay được người tiêu dùng thì trải qua nhiều công đoạn với sự tham gia của nhiều tác nhân khác nhau trong chuỗi cung ứng, mối nguy mất ATTP cũng từ đó mà tăng lên. Do vậy, việc minh bạch thông tin trong tất cả các khâu sản xuất, bảo quản, chế biến, phân phối, tiêu thụ là yếu tố hàng đầu để đảm bảo tính an toàn của nông sản, thực phẩm.

leftcenterrightdel
(Nguồn ảnh: Internet) 

Là một quốc gia về nông nghiệp với những mặt hàng nông sản, thực phẩm rất đa dạng, phong phú về chủng loại, hấp dẫn về độ tươi ngon và dinh dưỡng, nên trong những năm gần đây Việt Nam đã bước đầu thành công trong việc đưa nông sản Việt ra một số thị trường nước ngoài, đặc biệt là một số thị trường khó tính như Mỹ, Châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc,…  Tuy nhiên, nhìn chung nông sản Việt còn chưa có khả năng cạnh tranh lớn ở một số thị trường khó tính, giá cả thấp hơn giá trị thực tế và thấp hơn các mặt hàng cùng loại của một số nước như Thái Lan, Trung Quốc,.. Một trong những nguyên nhân cơ bản của thực trang trên đó là sự thiếu ATTP, nguồn gốc chưa thực sự rõ ràng. Thậm chí một số nhà nhập khẩu nước ngoài còn chưa thực sự tin tưởng vào việc TXNG nông sản của VN như vấn đề cấp mã vùng trồng, vấn đề minh bạch khi người sản xuất khai báo và lưu trữ thông tin.

Truy xuất nguồn gốc (TXNG) không còn là khái niệm mới mẻ đối với nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Khái niệm này đã được đề cập đến bởi nhiều tác giả khác nhau, các cơ quan quản lý pháp luật, các tổ chức quốc tế, các quốc gia khác nhau trên cơ sở sự tiếp cận và quản lý truy xuất nguồn gốc. Theo CAC (2005): TXNG đó là “khả năng theo dõi sự di chuyển của một thực phẩm thông qua các giai đoạn cụ thể của sản xuất, chế biến và phân phối”.

Tính đến thời điểm hiện nay thì hầu hết nông sản của Việt Nam đều được xuất khẩu dưới dạng thương phẩm thô, với giá thường thấp hơn so với các đối thủ cạnh tranh, nguyên nhân có thể do thua kém về chất lượng và các yếu tố khác (Steven Jaffee và cs, 2016). Các món ăn Việt Nam đang ngày càng hấp dẫn ở nhiều quốc gia phát triển, nhưng thành phần nguyên liệu và thực phẩm do người Việt cung cấp lại được ít người biết đến, có thể do quan niệm, nhận thức đã có từ trước đó về độ an toàn của nguồn thực phẩm Việt. Do vậy việc áp dụng TXNG cho nông sản Việt để tăng độ tin cậy với các thị trường nước ngoài là điều hết sức cần thiết, làm tăng năng lực cạnh tranh cho nông sản, thực phẩm Việt.

Đối với thị trường nông sản, thực phẩm trong nước, kênh tiêu thụ chủ yếu từ trước đến nay là ở các chợ truyền thống, hầu hết các mặt hàng nông sản, thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ nên không có được lòng tin của người tiêu dùng về thực phẩm an toàn. Thường xuyên xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng.  Trước tình hình đó, một bộ phận không nhỏ người dân Việt Nam đã tìm đến những sản phẩm được cho là an toàn như sản phẩm sản xuất theo VietGAP, sản phẩm hữu cơ, sản phẩm nhập khẩu vì được TXNG rõ ràng. Thực tế xu hướng tiêu dùng cho thấy nhu cầu về thực phẩm an toàn ngày càng tăng. Do vậy, việc truy nguyên nguồn gốc, xuất xứ các mặt hàng nông sản, thực phẩm đối với cả thị trường ngoài nước và nội địa đều hết sức cấp bách và cần thiết hiện nay.

Tuy nhiên trong bối cảnh thực tế, việc TXNG nông sản ở Việt Nam phải đương đầu với các thách thức như sau: (1) Đối tượng áp dụng là các tác nhân tham gia trong chuỗi cung ứng thực phẩm chủ yếu là các hộ nông dân sản xuất, doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hộ kinh doanh cá thể,… nên việc áp dụng hệ thống TXNG không dễ dàng do giới hạn về trình độ, nhận thức và tài chính. (2) Việc thu thập và lưu trữ, cung cấp thông tin trong các chuỗi cung ứng thực phẩm của Việt Nam còn hạn chế, chưa đầy đủ, thiếu chính xác và kịp thời do mối liên kết giữa các tác nhân tham gia trong chuỗi giá trị còn chưa chặt chẽ, thậm chí không có mối liên kết ràng buộc. (3) Cơ sở pháp lý, các tiêu chuẩn (TCVN), các quy chuẩn (QCVN) còn chưa được ban hành đầy đủ, chưa đưa ra được các chuẩn mực chung và (4) Nhận thức và năng lực của các tác nhân tham gia trong chuỗi giá trị cần phải thực hiện truy xuất và của cả bộ phận quản lý các hoạt động này còn hạn chế, chưa tương xứng với yêu cầu.

Để góp phần giải quyết các thách thức trên, từng bước thúc đẩy hoạt động TXNG nông sản thực phẩm của nước nhà, thì các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng cần đưa ra các giải pháp bước đầu, trong đó: (1) Các tác nhân tham gia trong chuỗi giá trị, những người phải thực hiện TXNG nông sản cần được hỗ trợ đào tạo cả về kiến thức TXNG lẫn tài chính. (2) Từng bước xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp lý về TXNG như ban hành các TCVN, QCVN và phổ biến, hướng dẫn đến từng tác nhân trong chuỗi cung ứng thực phẩm và người quản lý. (3) Tuyên truyền rộng rãi đến người tiêu dùng về vai trò của TXNG nông sản, thực phẩm và hướng dẫn họ phương pháp kiểm tra thông tin TXNG trên các mặt hàng hiện có.   

TS. Vũ Thị Kim Oanh - Bộ môn Công nghệ sau thu hoạch – Khoa Công nghệ thực phẩm