Chương trình Erasmus + KA1 (Key Action 1) là chương trình trao đổi cán bộ, sinh viên hai chiều giữa các trường Đại học Châu Âu với các trường đối tác ngoài Châu Âu do EACEA – EU tài trợ. Chương trình Erasmus của Liên minh Âu Châu (EU) được thành lập vào năm 1987, được đặt theo tên nhà triết gia người Hà Lan Desiderius Erasmus thành Rotterdamvới mục đích mở mang kiến thức và trí tuệ. Mục tiêu tổng thể của chương trình học bổng Erasmus là nâng cao chất lượng giáo dục trình độ cao của Châu Âu thông qua việc tăng cường hợp tác với các nước thứ ba, qua đó cải thiện trình độ nguồn nhân lực và tăng cường đối thoại, hiểu biết giữa các dân tộc, giữa các nền văn hoá.
Để nhận được tài trợ của Chương trình Erasmus, cần phải có sự phối hợp của một trường đại học của châu Âu với một trường đại học của một quốc gia đang phát triển. Năm 2022, Học viện Nông nghiệp Việt Nam (VNUA) và trường Đại học Camerino, Ý (UNICAM) đã kí văn bản hợp tác để nhận hỗ trợ của Chương trình Erasmus KA171 trong giai đoạn 2023 – 2025 với mã số dự án 2022-1-IT02-KA171-HED-000073309. Trong khuôn khổ dự án này, giảng viên và học viên cao học ngành Công nghệ thực phẩm – Công nghệ sinh học của hai trường có cơ hội trao đổi, học hỏi và hợp tác.
Đại học Camerino (UNICAM) được thành lập vào năm 1336 và được công lập hoá vào năm 1958. UNICAM là trường đại học đầu tiên ở Ý áp dụng các quy trình kiểm soát chất lượng trong các hoạt động của trường theo các tiêu chuẩn quốc tế UNI EN ISO 9001:2000 bởi công ty chứng nhận Pháp GROUPE AFAQ. Trong số 8.000 sinh viên, tỷ lệ sinh viên quốc tế đến từ hơn 50 quốc gia khác nhau đã đạt 10%, gấp ba lần mức trung bình quốc gia. Về tổ chức, UNICAM có 5 Trường Đại học gồm Kiến trúc và Thiết kế, Luật, Khoa học sinh học và Thú y, Khoa học dược phẩm và sản phẩm chăm sóc sức khỏe, Khoa học và công nghệ. Trường có 4 cơ sở đào tạo ở Camerino, Ascoli Piceno, Matelica và San Benedetto del Tronto. Các chương trình đào tạo Cử nhân, Thạc sĩ và Tiến sĩ được giảng dạy bằng tiếng Anh. Về cơ sở vật chất, các công trình và trang thiết bị được phát triển liên tục gồm thư viện, một số lượng lớn các phòng thí nghiệm nghiên cứu, trung tâm thể thao hiện đại, ký túc xá đầy đủ dịch vụ và cơ sở vật chất cho sinh viên. Tỷ lệ giảng viên/sinh viên đạt mức xuất sắc (1 giảng viên cho 25 sinh viên) là một yếu tố cơ bản khác đảm bảo chất lượng học tập tại UNICAM.
Với hoạt động trao đổi sinh viên, đầu năm 2024, 02 học viên cao học của Khoa Công nghệ thực phẩm và Công nghệ sinh học đã có một học kỳ trao đổi tại UNICAM. Các học viên không chỉ được học tập tích lũy tín chỉ mà còn có cơ hội được tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học với các giáo sư tại trường này. Đây là cơ hội quý báu để các học viên được trang bị thêm kỹ năng nghiên cứu tại các phòng thí nghiệm tiêu chuẩn chất lượng Châu Âu. Năm 2025, 01 học viên cao học của Khoa Công nghệ thực phẩm sẽ tiếp tục đến UNICAM để thực hiện một học kỳ trao đổi trong năm học này. Theo kế hoạch, vào tháng 3 năm 2025, VNUA sẽ tiếp nhận 01 nghiên cứu sinh của UNICAM đến thực hiện nghiên cứu về lĩnh vực công nghệ sinh học ứng dụng.
Về hoạt động trao đổi giảng viên, tháng 11 năm 2024, giáo sư Roberto Spurio, giảng viên Trường Khoa học sinh học và Thú y đã thực hiện chương trình trao đổi: giảng dạy và báo cáo seminar khoa học tại VNUA. Tại đây, giáo sư đã tham gia giảng dạy cho sinh viên lớp chất lượng cao ngành Công nghệ sinh học, sinh viên và học viên cao học ngành Công nghệ thực phẩm, đồng thời đã chia sẻ nhiều chuyên đề nghiên cứu với giảng viên và sinh viên khoa Công nghệ thực phẩm. Các bài giảng và chủ đề do giáo sư chia sẻ vô cũng hữu ích, nhiều thông tin cập nhật, thu hút được sự quan tâm của giảng viên và học viên. Một số chủ đề tiêu biểu gồm:
1. Introduction of UNICAM and School of BioScience and Veterinary Medicine;
2. Introduction of Biotechnology; an historical overview. Life and biological sciences and technologies are among the key drivers and enablers for bio-based innovations;
3. Use of barley and Agrobacterium tumefacens for production of recombinant proteins (growth factors and key elements of cultivated meat;
4. Production of Bacterial Cellulose;
5. Dedicated Bio-based chemicals (extremolytes). Production of Itaconic Acid;
6. Biodegradable plastics produced by microorganisms: PLA; PHB;
7. Staphylococcus aureus : Concepts of Microbiology, Proof of Concept in Production of Novel Antibacterial Compounds;
8. The role of bacteria in the industrial (large-scale) production of enzymes.
Trong thời gian trao đổi tại trường, giáo sư cũng đã đến tham quan phòng thí nghiệm của khoa Công nghệ thực phẩm, Công nghệ sinh học và Thú y tại Trung tâm xuất sắc và đổi mới sáng tạo, VNUA. Giáo sư Spurio đã có những trao đổi chuyên sâu về các hướng nghiên cứu tại phòng thí nghiệm của ông, hứa hẹn những cơ hội hợp tác nghiên cứu cho các nhà khoa học của hai trường.
Một số hình ảnh về hoạt động trao đổi của dự án
Nguyễn Thị Bích Thủy – Khoa Công nghệ thực phẩm