Dân số toàn cầu sẽ đạt khoảng 10 tỷ người vào năm 2050, tạo áp lực lớn về vấn đề thực phẩm đặc biệt là sản lượng thịt. Giải pháp phát triển thịt nhân tạo thay thế cho thịt thông thường sẽ góp phần bảo vệ môi trường và ở một số khía cạnh nào đó, nó tốt hơn cho sức khỏe người tiêu dùng. Vậy thịt nhân tạo là gì?
Thịt nhân tạo là những sản phẩm thay thế thịt thông thường, cung cấp protein cho cơ thể con người. Hiện tại các nhà khoa học và một số doanh nghiệp trên thế giới đã nghiên cứu tạo ra một số loại thịt nhân tạo từ thực vật, từ tế bào động vật, từ khí CO2. Thịt nhân tạo có dạng bột hoặc được tạo hình thành dạng viên, thanh, bánh…
Thịt từ thực vật được sản xuất bằng cách thu nhận protein từ các nguồn thực vật như đậu nành, lúa mì. Các protein này được gia nhiệt, đùn ép và làm lạnh để tạo thành kết cấu giống như thịt, cuối cùng được cho thêm các thành phần và phụ gia khác (ví dụ như thêm nước ép củ cải đỏ để làm giả máu hoặc thêm dầu dừa, dầu hạt cải để sản phẩm có vị béo giống mỡ...).
|
|
Hình 1. Thịt làm từ rau của công ty Beyond Meat |
Thịt nuôi cấy từ tế bào (cell-cultured meat), còn có các tên khác là thịt ống nghiệm (in vitro meat), thịt phòng thí nghiệm (lab-grown meat), thịt tổng hợp (synthetic meat), ra đời bằng cách nuôi cấy các tế bào cơ của động vật trong một môi trường được kiểm soát. Các chất dinh dưỡng không được tổng hợp bởi tế bào cơ như sắt, vitamin B12 sẽ được bổ sung trong môi trường nuôi cấy để tạo ra các sản phẩm có giá trị dinh dưỡng tương đương với thịt thông thường. Công ty khởi nghiệp Mosa Meat (Hà Lan) cho biết, về lý thuyết một mẫu tế bào bò có thể tạo ra tới 10.000 kg thịt nuôi cấy, với quy trình sản xuất cần ít đất hơn 99% và ít nước hơn 96% so với chăn nuôi truyền thống (điều đó có nghĩa là chỉ cần 150 con bò thay vì 1,5 tỷ con như hiện nay để có thể đáp ứng được nhu cầu thịt bò của cả thế giới). Các tế bào nuôi cấy tăng gấp đôi số lượng sau mỗi 2 ngày, có nghĩa là thịt nuôi cấy có thể được sản xuất nhanh hơn nhiều so với thịt thông thường. Công ty Aleph Farms (Israel) công bố họ có thể sản xuất một mẻ bít tết nuôi cấy trong vòng ba tuần, thời gian ngắn hơn nhiều so với gần 2 năm để nuôi một con bò.
|
|
Hình 2. Bánh hamburger kẹp thịt nhân tạo |
Tháng 11/2019, một công ty khởi nghiệp của Mỹ có tên Air Protein thông báo nắm trong tay công nghệ làm ra thịt từ khí CO2 - loại khí được xem là thủ phạm gây ra tình trạng nóng lên toàn cầu. Để tạo ra loại thịt từ không khí, Air Protein đã dựa vào vi khuẩn hydrogenotrophic, loại vi khuẩn có thể tổng hợp ra tế bào sợi từ khí CO2. Quá trình chuyển hóa này cũng gần giống quá trình lên men làm sữa chua hoặc ủ men bia. Theo đó, với các bình ủ men có vi khuẩn, các nhà khoa học đưa vào đó khí CO2 cùng với nước và nhiều khoáng chất. Sản phẩm thu được là loại bột màu nâu nhạt chứa đến 80% protein nhưng không có mùi vị. Từ nguyên liệu này, sau khi pha chế với những thành phần khác, nhà sản xuất có thể làm ra nhiều thực phẩm khác nhau như thịt lợn, thịt gà tây, bánh protein, nhân thịt cho bánh hamburger,... Xét về mặt dinh dưỡng, loại thịt từ không khí này được tạo thành với 9 axit amin thiết yếu như của "thịt thật". Loại thịt của Air Protein còn chứa nhiều vitamin như B12, hơn hẳn các loại "thịt chay" có thể gây thiếu chất cho những người chọn chế độ ăn chay.
Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, thịt nhân tạo vẫn chưa ngon như thịt thông thường, và không phải là hoàn toàn không có những nguy cơ tiềm năng gây tổn hại sức khỏe. Vì vậy trong một vài năm tới, hy vọng sẽ bắt đầu có những những gói protein thịt lợn, thịt bò và thịt gà với vị tương tự như thịt thông thường nhưng sạch hơn, an toàn hơn và tốt hơn so với thịt từ động vật được nuôi ở các trang trại.
Nguồn: Tổng hợp từ internet