Đối với đại đa số người Việt thì thực phẩm hữu cơ là một khái niệm khá mới mẻ và còn xa lạ, nhưng với thế giới thì thực phẩm hữu cơ đang là xu hướng chiếm nhiều sự quan tâm của nhiều người tiêu dùng thông thái.

Thực phẩm hữu cơ là gì?

            Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), Thực phẩm hữu cơ là những loại thực phẩm được sản xuất bằng tiêu chuẩn của nông nghiệp hữu cơ và phương thức hữu cơ.

            Tiêu chuẩn về thực phẩm hữu cơ là khác nhau trên thế giới. Tuy nhiên nông nghiệp hữu cơ nói chung luôn luôn hướng đến nuôi trồng thúc đẩy cân bằng sinh thái, hướng tới sự bền vững, tăng cường độ phì nhiêu của đất và bảo tồn đa dạng sinh học. Rau quả hữu cơ là nông sản không dùng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, diệt cỏ, hormon tăng trưởng... Động vật hữu cơ phải nuôi ở môi trường sạch (đồng cỏ hay ao hồ, không dùng thuốc trừ sâu, phân hóa học, hóa chất)… Thức ăn gia súc phải thuộc loại thức ăn hữu cơ, cũng không dùng hormone tăng trưởng hay thuốc kháng sinh sai quy định. Thực phẩm (chế biến) hữu cơ phải dùng nguyên liệu hữu cơ để chế biến, không xử lý chiếu xạ, không sử dụng dung môi công nghiệp và phụ gia tổng hợp.

 

Hiểu nhãn hiệu ghi Thực phẩm hữu cơ như thế nào?

  • Nhãn 100% Organic (100% hữu cơ) chỉ các sản phẩm được làm hoàn toàn từ các thành phần hữu cơ
  • Nhãn Organic (Hữu cơ) là các sản phẩm có trên 95% thành phần là hữu  cơ;
  • Nhãn Made with Organic Ingredients (Được làm bằng hữu cơ) chỉ sản phẩm có ít nhất 70% thành phần hữu cơ;

Thực phẩm hữu cơ tốt như thế nào?

            Mặc dù chưa có kết luận chính thức nào về việc sử dụng thực phẩm hữu cơ có lợi hơn thực phẩm thông thường hay không. Tuy nhiên có khá nhiều công trình nghiên cứu chỉ ra rằng, hàm lượng dinh dưỡng và mức độ an toàn trong thực phẩm hữu cơ thường cao hơn.

            Đối với đa số các loại rau trồng bằng phương pháp hữu cơ có hàm lượng protein thô có thể không cao hơn nhưng hàm lượng axit amin tự do cao hơn đáng kể so với phương pháp trồng thông thường. Những nghiên cứu trên động vật chỉ ra rằng sức khỏe động vật và hiệu suất sinh sản được cải thiện khi được cho ăn thức ăn hữu cơ. Hàm lượng chất chống oxy hóa (vitamin như vitamin C, beta-caroten) các loại rau trồng bằng phương pháp hữu cơ có thể cao hơn các sản phẩm rau trồng bằng phương pháp thông thường (Magkos et al., 2003).   Những chất chống oxy hoá này có khả năng giúp bảo vệ cơ thể khỏi các tế bào gây bệnh, nhất là ung thư.

            Do không sử dụng phân bón vô cơ, phụ gia bảo quản nên dư lượng thuốc trừ sâu trong thực phẩm hữu cơ luôn ở mức rất thấp hơn thực phẩm thông thường (Bakery et al.,). Ví dụ như theo dõi trong 22 vụ trồng cam, các mẫu cam thông thường có dư lượng thuốc trừ sâu trung bình là 0,442ppm, nhưng các mẫu cam hữu cơ có dư lượng thuốc trừ sâu là 0,3ppm. Hàm lượng nitrat trong các loại trái cây và rau quả hữu cơ cũng thấp hơn đáng kể so với các sản phẩm cùng loại thông thường (Bourn & Prescott, 2002). Nồng độ nitrat trong thực phẩm cao chính là nguyên nhân làm tăng nguy cơ mắc một số loại ung thư, cũng như ảnh hưởng đến khả năng vận chuyển oxy trong cơ thể của trẻ em.

            Trên thế giới và cả ở Việt Nam, thực phẩm hữu cơ đã và đang xuất hiện nhiều ở các cửa hàng, siêu thị bán thực phẩm. Do không sử dụng hóa chất nên sản phẩm hữu cơ dễ hư hỏng, hình thức quả đôi khi kém hấp dẫn, kích cỡ nhỏ, chăm sóc công phu giá thành của các thực phẩm hữu cơ thường cao so với thực phẩm bình thường.

            Tóm lại, thực phẩm hữu cơ TỐT nhưng không phải là Tiên Dược. Tác động của chúng với sức khỏe khó cân đo đong đếm được. Nhu cầu sử dụng 100% sản phẩm hữu cơ hay chuyển dần sang sử dụng sản phẩm hữu cơ là tuỳ thuộc vào điều kiện của mỗi gia đình.

Tài liệu tham khảo

Bakery B. P., Benbrook C. M., Groth E.  and Lutz Benbrook K. (2002). Pesticide residues in conventional, integrated pest management (IPM)-grown and organic foods: insights from three US data sets. Food Additives and Contaminants, 19 (5), 427-446.

Bourn D. & Prescott J. To cite this article: Diane Bourn & John Prescott (2002). A Comparison of the Nutritional Value, Sensory Qualities, and Food Safety of Organically and Conventionally Produced Foods. Critical Reviews in Food Science and Nutrition, 42 (1) 1-34.

Magkos F., Arvaniti F. & Zampelas A. (2003). Organic food: nutritious food or food for thought? A review of the evidence. International Journal of Food Sciences and Nutrition, 54 (5): 357-371.

Lê Minh Nguyệt

Bộ môn Quản lý chất lượng và An toàn thực phẩm