Cây bơ (Persea americana Mill.) là một trong số cây ăn quả có nhu cầu tiêu dùng cao và ngày càng tăng vì quả bơ không những là nguồn cung cấp năng lượng, vitamin mà còn cải thiện một số chức năng sinh lí đặc biệt có lợi cho sức khỏe con người. Bơ là cây trồng thích hợp ở vùng nhiệt đới hoặc ôn đới, có nhiệt độ trung bình từ 14 - 250C, bởi vậy điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của vùng Tây nguyên như Lâm Đồng, Đak Lak rất phù hợp để cây bơ phát triển. Đắk Lắk là vùng có diện tích trồng bơ lớn nhất vùng Tây Nguyên với 4.530 ha, tăng 222 ha so với năm 2017 và tăng khoảng gấp đôi so với năm 2016. Tổng sản lượng bơ của tỉnh năm 2018 khoảng 38.595 tấn, tăng 3.051 tấn so với năm 2017. Tuy nhiên, nếu tính cả diện tích trồng xen trong vườn cà phê, thì tổng diện tích bơ lên đến 12.686 ha (Báo điện tử Đaklak, 2018).
Những năm gần đây, cây bơ đã được phát triển ra các tỉnh ở miền núi phía bắc như Sơn La. Đến nay, toàn tỉnh có 1.053 ha trồng bơ, sản lượng năm 2018 đạt trên 2.800 tấn. Diện tích cây bơ được tập trung trồng tại các huyện: Mộc Châu 405 ha, Vân Hồ 129 ha, Thuận Châu 430 ha…(Viện nghiên cứu Rau quả, 2019). Ở đây đã bắt đầu hình thành các vùng bơ tập trung, được canh tác trong các vườn du lịch sinh thái hộ gia đình, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với một số loại cây trồng khác (ngô, mía, chè…). Giá thành bơ bán ra thị trường dao động từ 30.000 – 40.000 đồng/kg, tuy nhiên có một số ít diện tích bơ ở các vườn du lịch sinh thái có giá bán từ 50.000 – 70.000 đồng/kg. Hiện nay trên địa bàn tỉnh chưa có cơ sở chế biến bơ ra các loại sản phẩm khác nhau, chủ yếu được tiêu thụ sản phẩm tươi.
Một giống bơ trồng tại Mộc Châu, Sơn La (nguồn: báo điện tử)
Người sản xuất và kinh doanh hiện tại mới chỉ chú trọng đến khâu sản xuất, trong đó việc xác định và lựa chọn giống bơ rất được quan tâm. Tuy nhiên, do được hình thành một cách tự phát nên vùng bơ Sơn La, đặc biệt ở Mộc Châu hiện có rất nhiều giống bơ lai tạp, khó phân định nguồn gốc. So với các dòng bơ thông thường tại Việt Nam, bơ Booth 7 thích nghi rất tốt với khí hậu nóng ẩm của nước ta, có mùi thơm đặc trưng, độ sáp cao, độ béo khá thấp. Đặc biệt, bơ Booth có khả năng bảo quản cao hơn các giống bơ Việt khác nên sẽ thuận lợi cho việc bảo quản phục vụ nội tiêu và xuất khẩu trong tương lai.
Công tác quản lý sau thu hoạch cho quả bơ chưa được quan tâm nhiều, một phần vì sản lượng bơ tại Sơn La còn thấp, lại là vùng đang phát triển du lịch nên tiêu thụ bơ chưa gặp khó khăn. Tuy nhiên quy trình kỹ thuật sau thu hoạch còn hạn chế: chưa xác định rõ độ chín thu hoạch, áp dụng phương pháp thu hoạch thủ công, thời gian thu hoạch chưa được chú ý, dụng cụ chứa quả chưa đảm bảo vệ sinh, vận chuyển thô sơ… khiến chất lượng quả biến đổi nhanh chóng, tổn thất sau thu hoạch cao.
Mặc dù vùng bơ ở Mộc Châu, Sơn La mới phát triển chưa lâu, nhưng đã hình thành một số vườn bơ được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Mặc dù số hộ trồng bơ theo VietGAP chỉ chiếm tỷ lệ 16,7% so với tổng số người được phỏng vấn, tuy nhiên diện tích bơ VietGAP của HTX thị trấn Mộc Châu năm 2016 chiếm 37,03% trên tổng diện tích trồng bơ của HTX (số liệu khảo sát, 2017).
Với định hướng phát triển này, trong những năm tới, Sơn La sẽ trở thành vùng chuyên canh cây bơ ứng dụng công nghệ cao theo hướng liên kết sản xuất, tiêu thụ tươi, chế biến, chú trọng an toàn sản phẩm. Từ đây, mặt hàng quả bơ chất lượng cao của Sơn La sẽ tạo nên sức bật mới, góp phần thúc đẩy nền nông nghiệp phát triển bền vững và gia tăng giá trị.
Tài liệu tham khảo
Nguyễn Thị Bích Thủy và cộng sự. 2017. Báo cáo đánh giá thực trạng vùng sản xuất, công nghệ sơ chế và bảo quản bơ Sơn La. Đề tài cấp Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn.
http://baodaklak.vn/channel/3483/201811/phat-trien-cay-bo-doi-mat-voi-nhieu-noi-lo-5609708/
http://favri.org.vn/index.php/vi/tin-tuc/tin-tuc-cap-nhat/969-thuc-day-xuat-khau-qua-bo-son-la