1. Tình hình chăn nuôi giết mổ gia súc, gia cầm tại Hà Nội

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội (2023), tình hình chăn nuôi gia súc và gia cầm ở Hà Nội năm 2022 khá ổn định, không có các ổ dịch lớn xảy ra. Số lượng gia súc và gia cầm cụ thể như sau: có 1.522.193 con lợn, trong đó có 167.848 con lợn sinh sản và 1.354.345 con lợn thịt và lợn con; sản lượng lợn hơi xuất chuồng hàng tháng đạt 18.900 tấn. Có 166.857 con trâu, bò, trong đó có 83.281 con trâu, bò sinh sản (trong đó có 16.654 con bò sữa) và 83.576 con trâu, bò thịt; sản lượng thịt trâu, bò hơi xuất chuồng hàng tháng là 1.144 tấn. Sản lượng sữa tươi đạt 3.300 tấn. Có tổng cộng 42.444.197 con gia cầm; sản lượng gia cầm hơi xuất chuồng đạt 14.200 tấn. Số lượng trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm là 91 trang trại quy mô lớn, 1.387 trang trại quy mô vừa, 5.037 trang trại quy mô nhỏ và 190.608 hộ chăn nuôi. Tuy nhiên, chăn nuôi gia súc, gia cầm của nông hộ trong khu dân cư vẫn chiếm tỷ lệ lớn, khoảng 60% tổng đàn, trong khi các trại/trang trại chăn nuôi quy mô lớn ở ngoài khu dân cư chỉ chiếm khoảng 40% tổng đàn.

Trên địa bàn thành phố Hà Nội, có tổng cộng 730 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm (CSGM). Theo phân loại, có 83 cơ sở giết mổ trâu, bò; 201 cơ sở giết mổ lợn; 442 cơ sở giết mổ gia cầm (có 1 cơ sở vừa giết mổ lợn và gia cầm); và 5 cơ sở giết mổ động vật khác. Theo phương thức giết mổ, có 11 cơ sở giết mổ công nghiệp, trong đó có 5 cơ sở giết mổ lợn; 50 cơ sở giết mổ bán công nghiệp, trong đó có 12 cơ sở giết mổ lợn; và 670 cơ sở giết mổ thủ công, trong đó có 184 cơ sở giết mổ lợn. Trong số 730 CSGM này, chỉ có 105 cơ sở được chính quyền địa phương cho phép hoạt động và được kiểm soát bởi cơ quan thú y, trong đó có 41 CSGM lợn được cấp mã số kiểm soát giết mổ. Tổng trọng lượng thịt gia súc, gia cầm từ các cơ sở giết mổ này đạt trên 400 tấn mỗi ngày, tương đương khoảng 60% nhu cầu tiêu thụ thịt tại thị trường Hà Nội. Tuy nhiên, hầu hết các cơ sở giết mổ công nghiệp, bán công nghiệp và thủ công đang hoạt động chưa đạt công suất tối đa. Các CSGM gia súc, gia cầm nhỏ lẻ, thủ công vẫn tồn tại với số lượng lớn; hoạt động giết mổ rất đa dạng, rải rác ở hầu hết các khu dân cư của các huyện, thị xã.

Nhìn chung, số lượng cơ sở giết mổ nhỏ lẻ nhiều (một số địa phương có trên 1.000 CSGM nhỏ lẻ); hoạt động giết mổ nhỏ lẻ, thủ công rất đa dạng, giết mổ lưu động tại hộ chăn nuôi; thời gian giết mổ lại cùng một khung giờ nên gây khó khăn cho công tác kiểm tra, kiểm soát. Một số lượng lớn các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ không được UBND các huyện, thị xã, thành phố cấp phép hoạt động, không được KSGM theo quy định. Thực tế đây là nguồn lây lan dịch bệnh, gây ô nhiễm môi trường, mất ATTP.

2. Tình hình quản lý kiểm soát giết mổ (KSGM) động vật ở các tỉnh phía Bắc Việt Nam

Theo thống kê từ Cục Thú Y vào tháng 4 năm 2023, trên toàn quốc hiện có tổng cộng 463 cơ sở giết mổ động vật tập trung. Trong số này, có 21 cơ sở giết mổ trâu/bò, 246 cơ sở giết mổ lợn, 78 cơ sở giết mổ gia cầm, 10 cơ sở giết mổ động vật khác sử dụng làm thực phẩm và 108 cơ sở giết mổ hỗn hợp với hơn 2 loại động vật. Trong số đó, có 444 cơ sở đã có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (chiếm 95,90%), 432 cơ sở đã có Giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh thú y/an toàn thực phẩm (chiếm 93,31%), và 446 cơ sở có nhân viên thú y thực hiện kiểm soát giết mổ (chiếm 96,32%). Các địa phương không có cơ sở giết mổ tập trung là Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Ninh Bình, Yên Bái, Bắc Cạn, Cao Bằng, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Gia Lai và Quảng Ngãi. Trên toàn quốc, hiện có tổng cộng 24.654 cơ sở giết mổ động vật nhỏ lẻ, gồm 1.486 cơ sở giết mổ trâu/bò, 17.616 cơ sở giết mổ lợn, 4.817 cơ sở giết mổ gia cầm, 93 cơ sở giết mổ dê/cừu, 188 cơ sở giết mổ động vật khác sử dụng làm thực phẩm và 454 cơ sở giết mổ hỗn hợp với hơn 2 loại động vật. Trong số đó, có 7.362 cơ sở đã có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (chiếm 29,86%) và chỉ có 4.574 cơ sở có nhân viên thú y thực hiện kiểm soát giết mổ (đạt 18,56%). So với năm 2022, số lượng cơ sở giết mổ nhỏ lẻ trên toàn quốc đã tăng thêm 1.927 cơ sở (năm 2022 có tổng cộng 22.727 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ trên toàn quốc). 

leftcenterrightdel
 Hình 1: Tỉ lệ CSGM theo loại hình và đối tượng giết mổ tính đến quý I năm 2023

 

leftcenterrightdel
 Hình 2. Bản đồ phân bố CSGM tập trung đến quý I năm 2023

Tình hình quản lý KSGM (kiểm soát giết mổ động vật) ở các tỉnh phía Bắc (từ Thừa Thiên Huế trở ra) hiện tại đang gặp nhiều vấn đề. Phần lớn các hoạt động chăn nuôi nhỏ lẻ và giết mổ động vật được thực hiện trong các khu dân cư, và số lượng CSGM nhỏ lẻ trên địa bàn các huyện miền núi phân bổ rải rác. Điều này làm cho công tác kiểm tra và quản lý KSGM gặp nhiều khó khăn do thiếu nguồn lực. Hiện tại, chỉ có khoảng 15% số CSGM nhỏ lẻ được kiểm soát, thậm chí một số địa phương không thực hiện KSGM. Hầu hết các địa phương gặp khó khăn trong việc thu hút nhà đầu tư để xây dựng CSGM tập trung hoặc trong việc duy trì hoạt động CSGM tập trung khi vẫn còn tồn tại nhiều CSGM nhỏ lẻ, dẫn đến sự không hiệu quả và cạnh tranh kém của CSGM tập trung. Các hoạt động giết mổ còn diễn ra tự phát, với nhiều CSGM nhỏ lẻ tồn tại, trong khi chính quyền địa phương chưa đủ quan tâm đến công tác quản lý và giám sát. Ý thức tuân thủ pháp luật về giết mổ của người dân còn thấp, và chủ CSGM nhỏ lẻ thiếu trình độ và đầu tư, nhiều CSGM nhỏ lẻ thậm chí thực hiện giết mổ và bày bán trong các nơi như nhà riêng và vỉa hè, gây khó khăn trong việc thực hiện quy trình kiểm tra và KSGM. Hơn nữa, hệ thống kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y tại các địa phương không được tổ chức và quản lý một cách hiệu quả, và có một số địa phương thậm chí không thực hiện KSGM tại các CSGM tập trung hoặc không thể thực hiện do thiếu nhân lực từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y trên toàn tỉnh. Tình trạng này ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác phòng chống dịch bệnh, ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh và đảm bảo an toàn thực phẩm.

Nguyễn Vĩnh Hoàng - Bộ môn Quản lý chất lượng và An toàn thực phẩm