Trong thời đại hội nhập và toàn cầu hóa hiện nay, việc đưa Nông sản Việt Nam ra thế giới không chỉ là một thách thức mà còn là một cơ hội lớn để nâng cao giá trị và thương hiệu của nông sản trong nước. Tuy nhiên, ngày càng có những yêu cầu khắt khe về chất lượng nông sản, đặc biệt là chất lượng VSATTP. Việc áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông sản xuất khẩu để nông sản vừa có chất lượng cao, đảm bảo ATTP và không ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường trở thành yếu tố quyết định để nâng cao giá trị và cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Trong lĩnh vực này, không thể không nhắc đến TS. Vũ Thị Kim Oanh, Giảng viên của Khoa Công nghệ thực phẩm, Học viện Nông nghiệp VN, người không chỉ có những đóng góp lớn trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học ở trường Đại học mà còn trực tiếp áp dụng các giải pháp khoa học và kết nối nông sản Việt với thị trường quốc tế, góp phần giúp ngành nông sản Việt Nam vươn ra thế giới.
Với kiến thức nền tảng về công nghệ sau thu hoạch và quản lý chuỗi cung ứng, TS. Oanh nhận thấy rằng: để sản phẩm nông sản Việt có thể đứng vững trên sân chơi toàn cầu, không chỉ cần phải cải thiện chất lượng mà còn phải có chiến lược quảng bá và phân phối hiệu quả. TS. Oanh đã tích cực hợp tác với các doanh nghiệp; tổ chức, tham gia các hội thảo, hội nghị; kết nối các doanh nghiệp nông sản Việt Nam với các đối tác quốc tế. Mặt khác, cô thường xuyên giảng dạy, tập huấn các khóa học ngắn hạn về kĩ thuật bảo quản, chế biến sau thu hoạch nông sản; quản lý an toàn thực phẩm theo chuỗi cung ứng; truy xuất nguồn gốc thực phẩm,… cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các HTX, các hộ nông dân, các đoàn viên thanh niên khởi nghiệp,… Không dừng lại ở đó, TS. Oanh tích cực tham gia các khóa tập huấn ở nước ngoài để cập nhật các công nghệ mới trong lĩnh vực chuyên môn và sau đó tập huấn lại cho các đơn vị sản xuất ở trong nước, nhằm giúp người sản xuất nâng cao chất lượng sản phẩm của mình để từng bước đáp ứng yêu cầu của thị trường ngoài nước. Cụ thể, năm 2024, sau khi được tiếp cận các công nghệ và thực hành thông minh với khí hậu (CSA) trong việc xử lý sau thu hoạch và bảo quản rau quả tươi được tập huấn tại Viện Mekong - Thái Lan và Đại học Queenland - Úc, TS. Oanh đã hỗ trợ các trang trại áp dụng cho hàng trăm tấn rau tươi xuất khẩu đi Hàn Quốc, Nhật Bản. Những sản phẩm nông sản nổi bật mà cô đã kết nối giúp doanh nghiệp VN đưa ra thị trường quốc tế như rau xà lách thủy tinh và xà lách Iceberg, sản phẩm này đã và đang chinh phục được các khách hàng khó tính ở thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản.
Với những thành công trong việc đưa nông sản Việt ra thế giới, TS. Oanh không chỉ được công nhận trong giới học thuật mà còn được các doanh nghiệp và tổ chức quốc tế vinh danh. Trong những năm qua, TS. Oanh là cầu nối đưa sản phẩm của nhiều doanh nghiệp ra thị trường quốc tế như: Công ty TNHH trang trại Langbiang; Công ty TNHH đầu tư sản xuất và phát triển nông nghiệp WinEco; Hợp tác xã Nông nghiệp Hữu cơ Công Thịnh; Hợp tác xã Nông nghiệp Hữu cơ V.organic,… Viện MeKong (một tổ chức liên chính phủ, trụ sở tại Thailand) đã đánh giá rất cao những thành tựu mà TS. Oanh đã đạt được trong kế hoạch hành động của mình sau khi tham dự các khóa thăm quan, tập huấn do Viện tổ chức tại Thái Lan và Úc về Nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu (CSA).
Câu chuyện về TS. Oanh là minh chứng cho sự kết hợp giữa tri thức và thực tiễn có thể tạo ra những thay đổi mạnh mẽ, không chỉ trong ngành nông nghiệp, công nghệ thực phẩm mà còn trong việc nâng cao vị thế quốc gia trên trường quốc tế. Những nỗ lực của cô đã góp phần xây dựng một thương hiệu nông sản Việt Nam uy tín và bền vững, giúp nông sản Việt vươn xa hơn trên bản đồ thương mại thế giới.
Mời quý bạn đọc truy cập các đường link dưới đây của Viện MeKong để tham khảo bài viết của Viện MeKong về ‘câu chuyện truyền cảm hứng’ của TS. Vũ Thị Kim Oanh.
https://www.facebook.com/mekonginstitute.org/posts/-reducing-food-loss-boosting-vegetable-export-in-vietnam-dr-vu-thi-kim-oanh-from/1054513563377325/
Khoa Công nghệ thực phẩm